Thứ sáu tuần 2 Mùa Chay.
“Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em, chúng ta hãy giết nó”.
Lời Chúa: Mt 21, 33-43. 45-46
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: “Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh; đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: “Ðứa con thừa tự kia rồi: Nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó”. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào? Các ông trả lời: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi”. Chúa Giêsu phán: “Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh sao:
“Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc; đó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta?” Bởi vậy, Ta bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.
Các Thượng tế và biệt phái nghe dụ ngôn đó, thì hiểu Người ám chỉ về mình. Họ liền tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì thiên hạ đều tôn Người là Tiên tri.
SUY NIỆM 1: Dụ Ngôn Tá Điền Vườn Nho
Qua dụ ngôn người làm vườn nho sát nhân, không những Chúa Giêsu ám chỉ đến cái chết dã man mà các Thượng tế và Biệt phái sẽ gây ra cho Ngài, nhưng Ngài còn loan báo về sự phục sinh mà Thiên Chúa quyền năng sẽ thực hiện cho Ngài. Với sự phục sinh âý, Thiên Chúa như tuyên bố rằng tình yêu mạnh hơn sự chết, yếu đuối đã trở thành sức mạnh, thất bại biến thành khơi nguồn của ân ban. Chúa Giêsu đã gói ghém tất cả các mạc khải ấy trong câu trích từ Tv 118: “Chính viên đá thợ xây loại bỏ, đã trở nên viên đá góc tường”. Cái bị loại bỏ đã trở thành chuẩn mực, cái yếu đuối đã trở thành sức mạnh, cái điên dại đã trở thành lẽ khôn ngoan, cái chết đã trở thành cửa ngõ và khởi đầu nguồn sống mới.
Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta tin tưởng phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa. Màu tím của Mùa Chay có lẽ không nên phủ lên khuôn mặt chúng ta lớp khăn tang của buồn sầu, thiểu não; trái lại, việc suy niệm cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, việc chay tịnh trong thể xác và tâm hồn phải hướng chúng ta đến sự phục sinh của Chúa Kitô. Cuộc Tử nạn của Ngài không phải là con đường hầm không có lối thoát, nhưng ở cuối con đường ấy là nguồn sáng chan hoà của phục sinh. Đó cũng phải là ánh sáng chiếu dọi vào những suy niệm của chúng ta.
Cũng như thánh Phaolô, chúng ta cũng có thể góp phần bổ túc những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Kitô. Những mất mát, thua thiệt, những thất bại khổ đau trong cuộc sống đều là những đóng góp của chúng ta với điều kiện chúng ta biết đón nhận chúng với tinh thần phó thác của Chúa Giêsu, biết nhìn vào đó như những viên đá để Thiên Chúa biến thành viên đá góc xây dựng Giáo hội Chúa Kitô.
Suy tôn Thánh giá Chúa Kitô trong Mùa Chay, xin cho chúng ta biết nhìn lên ánh sáng Phục sinh, để từ đó nhận ra được ý nghĩa và giá trị của đau khổ trong cuộc sống chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Thay Ðổi Hướng Ði
Ðối với người Israel, vườn nho là một hình ảnh rất quen thuộc. Các ngôn sứ Isaia, Giêrêmia, Edêkiel thường dùng hình ảnh này để ám chỉ dân Israel được Thiên Chúa tuyển chọn và chăm sóc để trở thành dân riêng của Người. Chúa Giêsu cố ý đưa hình ảnh quen thuộc ấy vào trong phần mở đầu của dụ ngôn trên đây. Cách diễn tả của Chúa Giêsu chắc chắn làm cho người nghe nhớ đến lời ngôn sứ Isaia nói về sự bất trung của dân Israel. Cách mở đầu bài giảng như thế khiến cho các thượng tế và kỳ mục phải ở trong tư thế chuẩn bị đối phó, bởi vì họ đang là những nhà lãnh đạo của dân Israel, đang quản lý vườn nho của Thiên Chúa. Và sau phần mở đầu, Chúa Giêsu tấn công ngay vào vị thế đó của họ. Chúa gọi họ là những tá điền, mà lại là những tá điền bất nhân bất nghĩa. Người nói thẳng với họ: “Tôi nói cho các ông hay, Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa mà ban cho một dân khác với mục đích làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.”
Thoạt nghe dụ ngôn trên đây, chúng ta có thể nói nó chẳng ăn nhập gì đến mình cả. Chúa Giêsu hiện trước các thượng tế và các kỳ mục Do Thái thời xưa chứ Ngài đâu khiển trách chúng ta. Chúng ta đâu có dính dự gì vào chuyện của họ. Chúng ta đâu có giết các ngôn sứ của Thiên Chúa, chúng ta đâu có xử tử Chúa Giêsu. Thế nhưng, nếu chịu khó xét cho kỹ thì chúng ta phải giật mình vì chúng ta đã có những phản ứng chẳng khác gì họ, có khác chăng là trong một bối cảnh khác và với hành động như vậy, chúng ta không giết các ngôn sứ, nhưng chúng ta bỏ ngoài tai những lời giảng dạy của các vị, chúng ta không kết án tử Chúa Giêsu, nhưng chúng ta đẩy Người ra ngoài lề cuộc sống chúng ta. Nếu chịu khó xét mình, không khéo chúng ta lại tìm thấy hình ảnh của các thượng tế và kỳ mục của Israel nơi bản thân chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, nhiều lần chúng con trách cứ dân Do Thái ngày xưa đã cứng đầu không nhận ra Chúa, không nghe lời Chúa mà còn giết Chúa nữa, nhưng chúng con cũng đang bước theo lối mòn ấy của họ. Xin Chúa tha thứ cho con và giúp con sửa đổi đời mình để được Nước Trời làm gia nghiệp mãi mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Giết con thừa tự
Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác và trẩy đi xa. Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền và thu hoa lợi. Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!” (Mt. 21, 33-34, 38)
Dụ ngôn những tá điền sát nhân loan báo rõ ràng về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu. Sau khi gửi nhiều ngôn sứ đến dân Ít-ra-en, Thiên Chúa gửi chính con mình, nhưng cũng không được đón nhận, chẳng hơn gì số phận những ngôn sứ xưa.
Dụ ngôn này nói lên sự tàn bạo kinh khủng, nó phản ảnh sự dã man ghê sợ của loài người đến cùng cực, khó có thể tưởng tượng nổi. Nhưng đừng để cho những xúc động ghê sợ đó trở nên cạm bẫy che lấp sứ điệp chân chính mà Đức Giêsu truyền dạy chúng ta. Sứ điệp chân chính đó là vườn nho được trao cho những người lương thiện canh tác.
Vườn nho đã được trao cho những tá điền biết làm sinh hoa kết quả. Thực sự những trái nho ở đây là những hoa trái nước trời. Dân tộc được tuyển chọn trước đã thất bại. Một dân khác đã lãnh nhận vườn nho và sẽ không làm ông chủ thất vọng.
Bức tranh này, tuy có thể tối tăm, nhưng sau cùng lại chứa đầy hy vọng. Người ta thấy ở đây chương trình của Thiên Chúa, Ngài muốn nhân loại sinh nhiều hoa trái, không bao giờ được thất vọng do những quản lý xấu. Thiên Chúa không bao giờ chịu thất bại do sự quản lý đồi tệ của con người. Ngài tái lập lại rất dễ dàng và trao lại cho những người khác công việc đã bị hư hại.
Những kẻ bất trung đã làm hỏng việc, nhưng nước Thiên Chúa thì vẫn bất diệt, vì tất nhiên Ngài sẽ thực hiện lại, và phúc cho ai được Ngài dùng để thực hiện lại công việc của nước trời.
Người ta thường nghe rằng thế hệ chúng ta có những người đang phá hủy Hội thánh của Đức Kitô. Người ta nói Đức Kitô đã bị đóng đinh rồi, Thiên Chúa đã chết rồi.
Hội thánh được hứa bảo đảm bất tử. Nhưng những kẻ bất xứng đã phung phá vườn nho của Chúa sẽ bị xô xuống vực thẳm, để cho những người khác đến và ơn cứu độ lại được loan báo cho tới khi Chúa lại đến. Chúng ta sẽ qua đi. Chúa vẫn tồn tại.
J.G.
Suy niệm 4:
Trong Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền.
Những tá điền này được chủ nhà cho canh tác vườn nho của mình,
để đến mùa hái nho họ giao lại cho ông hoa lợi.
Đây là một vườn nho được ông chủ quan tâm săn sóc.
Ông đã trồng, đã rào giậu, khoét bồn đạp nho và xây tháp canh.
Tiếc thay, khi ông chủ sai các đầy tớ đến để thu hoa lợi
các tá điền chẳng những không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35).
Nhóm đầy tớ thứ hai cũng chịu chung số phận (c. 36).
Nhưng ông chủ vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền.
Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ.
Đứa con thừa tự cũng chẳng được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn nho và giết đi.
Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu muốn nói mình chính là người con ấy,
người Con của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa.
Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình
bởi tay những tá điền sát nhân là các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời.
Cái chết của Đức Giêsu nằm trong chuỗi những cái chết của các ngôn sứ
là các đầy tớ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Ítraen trong dòng lịch sử.
Tuy nhiên, cái chết ấy đặc biệt cao quý vì là cái chết của chính Người Con.
Hơn thế nữa, cái chết ấy không phải là một dấu chấm hết.
Nó là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử,
không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Ítraen, mà còn của cả nhân loại.
“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.
Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta” (c. 42).
Giáo Hội sơ khai thích dùng trích dẫn trên đây của thánh vịnh 118, 22
để nói về việc Đức Giêsu bị loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7).
Bị loại bỏ là việc độc ác của con người,
còn trở nên viên đá góc là việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.
“Thu hoa lợi”, “nộp hoa lợi”, “sinh hoa lợi” (cc. 34, 41, 43).
Hoa lợi là điều mà ông chủ nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn nho.
Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tá điền độc ác,
bởi đó ông đã lấy vườn nho lại, cho người khác làm để lấy hoa lợi.
Vườn nho bây giờ được hiểu là Nước Thiên Chúa.
Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo dân Do thái nữa,
nhưng được trao cho một dân biết sinh hoa lợi (c. 43).
Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát,
trong đó gồm cả dân ngoại và những người Do thái tin Đức Giêsu.
Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới.
Chúng ta hãnh diện vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa,
và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi cho xứng ở đời này.
Làm thế nào để Giáo Hội nộp hoa lợi đúng mùa cho Chủ?
Làm thế nào để chúng ta không rơi vào tội của các tá điền đi trước?
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.
Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.
Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.
Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.
Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vinh cửu của Chúa. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ
SUY NIỆM:
Câu chuyện của ông Giuse loan báo cách Thiên Chúa hoàn tất chương trình cứu độ bằng mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô và mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô được loan báo bởi dụ ngôn vườn nho, do chính Đức Ki-tô công bố.
Nhưng câu chuyện của ông Giuse lại là hậu quả của nọc độc “quên ơn, nghi ngờ, ghen tị và ham muốn”, do ma quỉ gieo vào lòng con người ngay buổi đầu của sự sống (x. St 3). Hậu quả này, như chính chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, tiếp tục lan rộng và lan sâu trong lòng con người, trong thế giới của con người cho đến mầu nhiệm Nhập Thể và sau mầu nhiệm Nhập Thể.
Tuy nhiên, Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, và dưới ánh sáng của lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử nhân loại và lịch sử đời mình, không phải để nhận ra “công trình của Sự Dữ”, nhưng để nhận ra “CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA”.
1. Ơn huệ vườn nho (c. 33)
Trước hết chúng ta hãy nhìn ngắm “công trình” của người chủ; và nếu thích, chúng ta có thể diễn tả bằng một hình vẽ.
a. Ông trồng một vườn nho; chúng ta hãy hình dung ra tất cả những gì phải làm để gầy dựng được một vườn nho (x. Is 5, 1-2); chắc chắn, công trình này đòi hỏi nhiều lao công và thời gian. Thế mà theo dụ ngôn, dường như ông thực hiện một mình! Thực tế không thể như thế, nhưng trong cách kể chuyện, Đức Giêsu muốn nhấn mạnh điểm này, vì đó chính là một trong những chi tiết nói thật rõ cho chúng ta về Thiên Chúa và về công trình sáng tạo của Người. Chúng ta đừng quên đi vào tâm tình của ông.
b. Sau đó, ông rào giậu; đâu là mục đích hay ý nghĩa của việc rào giậu? Như chúng ta đều có kinh nghiệm, điều này có thể có những ý nghĩa rất khác nhau, chẳng hạn để bảo vệ. Nhưng một cách căn bản, đó là cách thức để phân biệt, và phân biệt chính là xác định căn tính (chẳng hạn, việc xác định biên giới giữa hai nước). Rào giậu mang ý nghĩa đặt tên.
c. Trong vườn, ông khoét bồn đạp nho; ông đã nghĩ đến hoa trái và xa hơn nữa là rượu ngon đến từ những chùm nho chín. Ông có cả một kế hoạch mà điểm tới là có được rượu nho, biểu tượng của niềm vui xum họp. Đức Giê-su nói: “Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là, anh em sinh nhiều hoa trái và trở nên môn đệ thầy” (Ga 15, 8).
d. Ông xây một tháp canh; nhưng canh điều gì? Canh những nguy cơ đến từ bên ngoài; và đó có thể là những nguy cơ nào? Tuy nhiên, dụ ngôn của Đức Giêsu diễn biến theo một chiều hướng khác: những nguy cơn không đến từ bên ngoài, nhưng ngay ở trong khuôn viên vườn nho (x. St 2, 15). Nhưng những nguy cơ nghiêm trọng này có thể làm thất bại kế hoạch làm “rượu nho” của người chủ không?
e. Cuối cùng ông trao vườn nho cho các tá điền canh tác. Các tá điền bây giờ mới được nhắc đến, nhưng là để đón nhận: đón nhận vườn nho đã được chuẩn bị thật công phu, và cũng đón nhận một sứ mạng.
* * *
Rồi ông trẩy đi xa. Chúng ta cần nhận ra lòng tin tưởng vô điều kiện ông đặt để nơi các tá điền. Chúng ta có thể nhớ lại ơn huệ sáng tạo được kể lại trong sách Sáng Thế (x. St 1-3), vốn là nguồn của môi trường sống của chúng ta hôm nay, và nhớ lại ơn hệ sự sống của chúng ta: “Đưa con ra ra khỏi thai bào, vòng tay mẹ ẵm Chúa trao an toàn” (Tv 22, 10); “Tạng phủ con, chính Ngài đã cấu tạo, dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con” (Tv 139, 13). Loài người được tạo dựng, mỗi người chúng ta được sinh ra, từng người chúng ta khi được tháp nhập vào Hội Dòng, tất cả mọi sự đã có sẵn, thậm chí được chuẩn bị chu đáo để đón nhận chúng ta. Tất cả đã được ban, nhưng chúng ta chẳng thấy Đấng Ban Ơn đâu, chẳng thấy Chúa đâu. Bởi lẽ, như người kia phải đi xa, Chúa muốn chúng ta sống tương quan với Chúa, ngang qua những quà tặng, ngang qua những dấu chỉ; và chúng ta được Chúa ban cho quá nhiều quà tặng, quá nhiều dấu chỉ: sự sống và bản thân chúng ta, cuộc đời và ơn gọi của chúng ta, cộng đoàn của chúng ta, sự sống mỗi ngày, Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta cách nhưng không mỗi ngày.
Hơn nữa, tương quan đích thật và trưởng thành không phải là tương quan hiện diện thể lí, nhưng là tương quan vắng mặt ngang qua các dấu chỉ, nghĩa là “Người Ấy” không còn ở bên ngoài, nhưng hiện diện trong lòng, trong tim chúng ta mọi nơi mọi lúc và mãi mãi theo lòng khát khao. Khi chủ ở nhà, thì người tôi tớ đương nhiên phải sống như là tôi tớ; nhưng khi chủ đi vắng, ngươi tôi tớ vẫn sống, vẫn ứng xử như là tôi tớ, hay tự biến mình thành chủ nhân? Và khi tự biến mình thành chủ, thì tất yếu sẽ là tai họa. Điều này đúng trong mọi cấp độ (đời mình, gia đình mình, cộng đoàn mình cùng tất cả những gì thuộc về mình).
2. Quên ơn huệ (c. 34-39)
Chúng ta hãy để mình bị kinh ngạc bởi thái độ của các tá điền, nhất là khi dụ ngôn không cho chúng ta biết tại sao, tại sao họ lại đâm ra như thế (nên đọc Mc 12, 1-12).
a. Với nhóm đầy tớ thứ nhất: họ bắt các đầy tớ của ông chủ: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. “bắt, đánh, giết, ném đá”, đó là những hành động đặc trưng của sự dữ, mà những người công chính của Thiên Chúa phải chịu.
b. Với nhóm thứ hai đông hơn: họ đối phó y như vậy; nhưng tầm mức bạo lực được nhân lên.
c. Cuối cùng, từ nhiều người sang một người, nhưng đó lại là tột đỉnh của mọi sự: Tin Mừng theo thánh Mác-cô và Luca nói: “Con Trai yêu dấu”; đặc biệt thánh sử Mác-cô nói: “Ông chỉ còn một người nữa là người con yêu dấu…”; đó là chi tiết nói về Đức Ki-tô trong tương quan Cha-Con với Thiên Chúa cách trực tiếp và rõ ràng nhất; và trước khi hành động, mỗi bên đều có lời tự nhủ, nghĩa có lựa chọn sáng suốt và tự do; và cả hai hành động đều là điên rồ (x. 1Cr 1, 17-25).
Chúng ta cần chú ý đến năng động tất yếu của bạo lực, giống như đá tảng rơi từ ngọn núi xuống, càng lúc càng nhanh và mạnh, từ nhân tính chuyển sang thú tính. Nhưng tại sao ông chủ không ngăn cản mà lại để cho nó đi đến cùng như thế? Đó cũng chính là vấn đề của cuộc Thương Khó. Và tại sao, họ lại có những hành động bạo lực đến kì lạ như vậy?
Đó là bởi vì họ muốn tự biến mình thành chủ, muốn chiếm đoạt điều không thuộc về mình; nhưng tại sao họ lại đâm ra như vậy? Bởi vì họ quên đi vườn nho là một ơn huệ, thậm chí sứ mạng canh tác và gìn giữ (x. St 2) cũng là một ơn huệ; ơn huệ vườn nho và sứ mạng canh giữ vườn nho nhắc nhớ sự hiện diện của “Đấng ban ơn”. Quên điều này tất yếu sẽ dẫn đến hành vi chiếm đoạt bằng lòng ham muốn, tất yếu dẫn đến bạo lực. Như thế, dụ ngôn cũng mặc khải sâu xa về con người trong tương quan với Thiên Chúa, không kém mặc khải đã được bày tỏ trong trình thuật Vườn Eden (x. St 2-3).
Trong khi đó ơn gọi của các tá điền và cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta, là nhận ra sự sống của mình, thế giới của mình, vũ trụ mình chiêm ngắm là một ơn huệ; và vì là một ơn huệ, con người được mời gọi sống và xây dựng cuộc sống như một lời đáp trả, một lời biết ơn: “Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tất cả, giờ đây con xin dâng lại Chúa tất cả”. Một trong những ý nghĩa của đời dâng hiến mà chúng ta đang được mời gọi sống đến cùng cách quảng đại, đó là sống là làm chứng về ơn gọi này của con người.
Chúng ta cũng hãy để mình kinh ngạc trước cách phản ứng của ông chủ, vì hành động của ông cũng kì lạ không kém, nhưng theo một năng động hoàn toàn ngược lại: thay vì bạo lực đối lại bạo lực; thì sự hiền lành đối lại bạo lực: sự hiền lành của ông được bảy tỏ cách cụ thể nơi hai nhóm đầy tớ được sai đi và nhất là nơi người Con Trai yêu dấu. Sự hiền lành này sẽ được Thiên Chúa thực hiện cách trọn hảo trong cuộc Thương Khó của Đức Kitô.
Dụ ngôn diễn tả cho chúng ta nhiều tột đỉnh, nhưng là để dẫn chúng ta đến một tột đỉnh khác ở bên ngoài dụ ngôn: đó là cách giải quyết của con người và cách giải quyết của Thiên Chúa. Con người muốn áp dụng qui luật “ác giả ác báo”, vốn có trong mọi tôn giáo và trong cách hành xử của con người, nhưng Thiên Chúa, vốn “lớn hơn” Luật, lại chấp nhận đến cùng tội của con người và chuyển nó thành ơn cứu độ:
Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. (Tv 118, 22; Mt 21, 42)
Đó chính là “Tin Mừng”, bởi vì diễn tả mầu nhiệm cứu độ nơi Thập Giá của Đức Ki-tô; và “Tin Mừng” này gợi nhớ nhiều biến cố trong lịch sử cứu độ, nhất là cuộc đời ông Giuse trong sách Sáng Thế (St 50, 18-20), người công chính bị bách hại trong Tv 22, và Người Tôi Tớ Đau Khổ trong sách ngôn sứ Isaia (x. Is 52, 13-53, 12). Đó chính là:
Công trình của Chúa,
công trình kì diệu trước mắt chúng ta”
(Tv 118, 23; Mt 21, 42)
3. “Đó là Công Trình của Chúa” (c. 40-42)
Câu chuyện ông Giuse và dụ ngôn của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đọc lại lịch sử cứu độ, đọc lại lịch sử loài người và lịch sử của từng người chúng ta, dưới ánh sáng của Mầu Nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô ; đọc lại như thế, không phải để nhận ra « công trình » của Tội và Sự Dữ, vốn làm cho chúng ta mặc cảm, sợ hãi và tuyệt vọng, nhưng là nhận ra « CÔNG TRÌNH CỦA THIÊN CHÚA ». Và công trình của Thiên Chúa thì khác hẳn với công trình của con người, với lối suy nghĩ của con người. Thật vậy :
a. Tội và sự dữ không làm thất bại thất bại kế hoạch sáng tạo và cứu độ (x. Dụ ngôn Người Gieo Giống trong Mc 4, 1-9), vì Thiên Chúa chiến thắng sự chết, vốn là hành động sau cùng của Tội và Sự Dữ : “Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường”.
b. Hơn nữa, Thiên Chúa dùng chính sự dữ, để cho đi tới cùng, để bày tỏ sự hiền lành tuyệt đối, và đó chính là khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa (sự hiền lành của ông chủ vườn nho).
c. Vẫn chưa hết, đó là cách Thiên Chúa vừa tha thứ cho chúng ta, và vừa giải thoát chúng ta khỏi tội và sự dữ. Bằng cách bảy tỏ cho chúng ta thấy khuôn mặt thật của sự dữ (chữa bệnh phải thấy được nguyên nhân), khi để cho sự dữ đi tới cùng ; và nhận ra sự dữ có mặt ở khắp nơi trong chúng ta và giữa chúng ta. Thấy Sự Dữ, chúng ta được chữa lành rồi, vì Sự Dữ không “tương hợp” với chúng ta, vốn được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện. Vì thế, ngay cả kẻ dữ, khi làm điều dữ, cũng phải che đậy, phủ lên một lớp vỏ tốt đẹp. Và điều này được thể hiện cách tuyệt đối nơi mầu nhiệm Thương Khó.
Nhưng không phải để « ác giả ác báo », nhưng để nhận ra tình thương và lòng thương xót của Chúa vô biên vô tận ; và chính tình yêu và lòng thương xót vô biên vô tận, chứ không phải nỗ lực « đền tội và canh tân » của chúng ta, biến đổi con tim chúng ta và khơi dậy tâm tình biết ơn và lòng cảm mến ; chính sức mạnh tình yêu Thiên Chúa cuốn hút và lòng ước ao ở lại trong tình yêu Thiên Chúa, ước ao để cho tình yêu Thiên Chúa chiếm hữu và lôi cuốn, sẽ lôi chúng ta ra khỏi sức hút của sự dữ.
Đó chính là công trình kỳ diệu, là sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, khác hẳn với sức mạnh và khôn ngoan của con người, luôn rạng ngời trong trong lịch sử cứu độ và trong cuộc đời của mỗi người chúng ta, từ ơn huệ sáng tạo đầy thách đố đến ơn huệ sáng tạo đầy ánh sáng, niềm vui và sự sống, trong Chúa và cùng nhau.
* * *
Dĩ nhiên, vẫn còn một lời của Đức Giêsu dành cho những người nghe Ngài:
Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi. (c. 43)
Nhưng thực ra đó lại là một phần của bản án mà chính họ tự ra cho mình (c. 41), hay nói cách khác, họ tự biến mình thành bất xứng, họ lựa chọn bạo lực và sự dữ thì họ sẽ thuộc về bạo lực và sự dữ; mà bạo lực và sự dữ là hủy diệt, là sự chết, là hư vô.
Như lời Thánh Vịnh đã ám chỉ qui luật sự dữ sẽ tự hủy diệt sự dữ:
Cho bọn ác nhân mắc bẫy chính chúng gài,
còn con đây thì được thoát khỏi.
(Tv 141, 10)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ
17360942_635247956663220_241771000_n
Friday (March 17): The stone which the builders rejected
Gospel Reading: Matthew 21:33-46
33 “Hear another parable. There was a householder who planted a vineyard, and set a hedge around it, and dug a wine press in it, and built a tower, and let it out to tenants, and went into another country. 34 When the season of fruit drew near, he sent his servants to the tenants, to get his fruit; 35 and the tenants took his servants and beat one, killed another, and stoned another. 36 Again he sent other servants, more than the first; and they did the same to them. 37 Afterward he sent his son to them, saying, `They will respect my son.’ 38 But when the tenants saw the son, they said to themselves, `This is the heir; come, let us kill him and have his inheritance.’ 39 And they took him and cast him out of the vineyard, and killed him. 40 When therefore the owner of the vineyard comes, what will he do to those tenants?” 41 They said to him, “He will put those wretches to a miserable death, and let out the vineyard to other tenants who will give him the fruits in their seasons.”42 Jesus said to them, “Have you never read in the scriptures: `The very stone which the builders rejected has become the head of the corner; this was the Lord’s doing, and it is marvelous in our eyes’? 43 Therefore I tell you, the kingdom of God will be taken away from you and given to a nation producing the fruits of it.” 45 When the chief priests and the Pharisees heard his parables, they perceived that he was speaking about them. 46 But when they tried to arrest him, they feared the multitudes, because they held him to be a prophet.
Thứ Sáu 17-3 Viên đá bị thợ xây loại bỏ
Mt 21,33-46
33 Các ông hãy nghe một dụ ngôn khác: “Có gia chủ kia trồng được một vườn nho; chung quanh vườn, ông rào giậu; trong vườn, ông khoét bồn đạp nho, và xây một tháp canh. Ông cho tá điền canh tác, rồi trẩy đi xa.34 Gần đến mùa hái nho, ông sai đầy tớ đến gặp các tá điền để thu hoa lợi.35 Bọn tá điền bắt các đầy tớ ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ.36Ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy.37Sau cùng, ông sai chính con trai mình đến gặp chúng, vì nghĩ rằng: “Chúng sẽ nể con ta.”38Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: “Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó! “39 Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi.40Vậy xin hỏi: Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia? “41 Họ đáp: “Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông.”42 Đức Giê-su bảo họ: “Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta.43 Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.44Ai ngã xuống đá này, kẻ ấy sẽ tan xương; đá này rơi trúng ai, sẽ làm người ấy nát thịt).”45 Nghe những dụ ngôn Người kể, các thượng tế và người Pha-ri-sêu hiểu là Người nói về họ.46 Họ tìm cách bắt Người, nhưng lại sợ dân chúng, vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ.
Meditation: Do you ever feel cut off or separated from God? Joseph was violently rejected by his brothers and sold into slavery in Egypt. His betrayal and suffering, however, resulted in redemption and reconciliation for his brothers. “Fear not, for am I in the place of God? As for you, you meant evil against me; but God meant it for good, to bring it about that many people should be kept alive, as they are today” (Genesis 50:19-20). Joseph prefigures Jesus who was betrayed by one of his own disciples and put to death on the cross for our redemption. Jesus came to reconcile us with an all-just and all-merciful God. His parables point to the mission he came to accomplish – to bring us the kingdom of God.
Parable of the vineyard
What is the message of the parable of the vineyard? Jesus’ story about an absentee landlord and his not-so-good tenants would have made sense to his audience. The hills of Galilee were lined with numerous vineyards, and it was quite common for the owners to let out their estates to tenants. Many did it for the sole purpose of collecting rent.Why did Jesus’ story about wicked tenants cause offense to the scribes and Pharisees? It contained both a prophetic message and a warning. Isaiah had spoken of the house of Israel as “the vineyard of the Lord” (Isaiah 5:7). Jesus’ listeners would have likely understood this parable as referring to God’s dealing with a stubborn and rebellious people.
This parable speaks to us today as well. It richly conveys some important truths about God and the way he deals with his people. First, it tells us of God’s generosity and trust. The vineyard is well equipped with everything the tenants need. The owner went away and left the vineyard in the hands of the tenants. God, likewise trusts us enough to give us freedom to run life as we choose. This parable also tells us of God’s patience and justice. Not once, but many times he forgives the tenants their debts. But while the tenants take advantage of the owner’s patience, his judgment and justice prevail in the end.
Gift of the kingdom
Jesus foretold both his death on the cross and his ultimate triumph. He knew he would be rejected and be killed, but he also knew that would not be the end. After rejection would come glory – the glory of his resurrection and ascension to the right hand of the Father in heaven. The Lord blesses his people today with the gift of his kingdom. And he promises that we will bear much fruit if we abide in him (see John 15:1-11). He entrusts his gifts and grace to each of us and he gives us work to do in his vineyard – the body of Christ. He promises that our labor will not be in vain if we persevere with faith to the end (see 1 Corinthians 15:58). We can expect trials and even persecution. But in the end we will see triumph. Do you serve the Lord Jesus with joyful hope and confidence in his victory and gift of abundant life?
“Thank you, Lord Jesus Christ, for all the benefits which you have given us – for all the pains and insults which you have borne for us. O most merciful redeemer, friend, and brother, may we know you more clearly, love you more dearly, and follow you more nearly, for your own sake.” (prayer of St. Richard of Chichester, 13th century)
Suy niệm: Bạn có cảm giác bị loại trừ hay xa cách Thiên Chúa chưa? Giuse bị các anh em của mình loại trừ cách tàn nhẫn và bị bán làm nô lệ bên Aicập. Tuy nhiên, sự phản bội và đau khổ của ông đã trở thành sự cứu thoát và hoà giải cho các anh em của ông. “Đừng sợ, tôi đâu có thay quyền Thiên Chúa! Các anh đã định làm điều ác cho tôi, nhưng Thiên Chúa lại định cho nó thành điều tốt, để thực hiện điều xảy ra hôm nay, là cứu sống một dân đông đảo” (St 50,19-20). Giuse biểu hiện trước về Đức Giêsu, Đấng bị một trong số các môn đệ của mình phản bội và bị chết trên thập giá cho sự cứu chuộc của chúng ta. Đức Giêsu đến để hoà giải chúng ta với Thiên Chúa chí minh và đầy thương xót. Các dụ ngôn của Ngài nhằm tới công việc Ngài đến để thực hiện – đem lại cho chúng ta vương quốc của Thiên Chúa.
Dụ ngôn vườn nho
Đâu là sứ điệp của dụ ngôn vườn nho? Câu chuyện của Đức Giêsu về người chủ vắng mặt và các tôi tớ xấu xa của ông rất có ý nghĩa đối với thính giả của Người. Các ngọn đồi ở Galilê được bao bọc bởi vô số vườn nho, và việc các chủ nhân giao vườn nho của mình cho các gia nhân của mình là điều thông thường. Nhiều chủ nhân làm điều đó với mục đích duy nhất là lấy tiền mướn vào thời gian nào đó. Tại sao câu chuyện của Đức Giêsu về những tá điền độc ác gây ra sự chống đối cho các nhà luật sĩ và Pharisêu? Thưa, nó vừa chứa đựng sứ điệp tiên tri vừa là lời cảnh báo. Ngôn sứ Isaia đã nói về nhà Israel như “vườn nho của Chúa” (Is 5,7). Các thính giả của Đức Giêsu rất có thể hiểu được dụ ngôn này như việc đối xử của Thiên Chúa với những người bướng bỉnh và chống đối.
Dụ ngôn này cũng nói với chúng ta hôm nay. Nó hoàn toàn chuyển tải những chân lý quan trọng về Thiên Chúa và đường lối Người cư xử với dân của Người. Trước hết, nó nói với chúng ta về sự quảng đại và tín trung của Thiên Chúa. Vườn nho được trang bị với đầy đủ mà các tá điền cần đến. Chủ nhân đi xa và để lại vườn nho trong tay các nhân công. Cũng vậy, Thiên Chúa tin tưởng chúng ta đến nỗi ban cho chúng ta tự do để sử dụng cuộc đời như chúng ta muốn. Dụ ngôn này cũng nói với chúng ta về sự kiên nhẫn và công chính của Thiên Chúa. Không phải một lần, nhưng rất nhiều lần Người tha thứ cho các tá điền số nợ của họ. Trong khi đó, các tá điền lại lợi dụng sự kiên nhẫn của chủ nhân, nhưng kết thúc, sự xét xử và công lý của ông chủ sẽ được thực hiện.
Quà tặng của vương quốc
Đức Giêsu đã nói trước về cái chết và sự chiến thắng cuối cùng của Người. Đức Giêsu biết Người sẽ bị người ta chống đối và bị giết chết, nhưng Người cũng biết rằng đó không phải là hết. Sau sự loại bỏ sẽ tới vinh quang – vinh quang của sự phục sinh và lên trời của Người bên hữu Chúa Cha. Ngày nay, Chúa chúc phúc cho dân Người với ân huệ của vương quốc của Người, và niềm hy vọng sống lại. Người hứa rằng chúng ta sẽ sinh nhiều hoa trái nếu chúng ta ở trong Người (Ga 15,1-11). Người trao phó những ơn huệ và ơn sủng cho mỗi người chúng ta và cho chúng ta làm việc trong vườn nho của Người – thân thể của Đức Kitô. Người hứa rằng lao nhọc của chúng ta sẽ không vô ích, nếu chúng ta bền đỗ trong đức tin đến cùng (1Cor 15,58). Chúng ta có thể có những thử thách và thậm chí sự ngược đãi. Nhưng cuối cùng chúng ta sẽ nhìn thấy chiến thắng. Bạn có làm việc cho Chúa với niềm hy vọng vui tươi và với lòng tin cậy trong cuộc chiến thắng của Người không?
Lạy Chúa Giêsu Kitô, cảm tạ Chúa về tất cả mọi ơn phúc mà Chúa đã ban cho chúng con; về tất cả mọi đau khổ và sỉ nhục mà Chúa đã chịu vì chúng con. Ôi Đấng cứu chuộc, Bạn hữu, và Anh cả đầy lòng thương xót, chớ gì chúng con biết Chúa rõ ràng hơn, yêu mến Chúa tha thiết hơn, và theo Chúa gần gũi hơn, vì chính Chúa. (Lời cầu nguyện của thánh Richard of Chichester, thế kỷ 13).
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
.