Thứ sáu tuần 1 Mùa Chay.
“Hãy đi làm hoà với người anh em ngươi trước đã”.
Lời Chúa: Mt 5, 20-26
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con không công chính hơn các luật sĩ và biệt phái, thì các con chẳng được vào Nước Trời đâu. Các con đã nghe dạy người xưa rằng: Không được giết người. Ai giết người, sẽ bị luận phạt nơi toà án. Còn Ta, Ta bảo các con: Bất cứ ai phẫn nộ với anh em mình, thì sẽ bị toà án luận phạt. Ai bảo anh em là “ngốc”, thì bị phạt trước công nghị. Ai rủa anh em là “khùng”, thì sẽ bị vạ lửa địa ngục.
Nếu con đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ người anh em đang có điều bất bình với con, thì con hãy để của lễ lại trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em con trước đã, rồi hãy trở lại dâng của lễ. Hãy liệu làm hoà với kẻ thù ngay lúc còn đi dọc đường với nó, kẻo kẻ thù sẽ đưa con ra trước mặt quan toà, quan toà lại trao con cho tên lính canh và con sẽ bị tống ngục. Ta bảo thật cho con biết: Con sẽ không thoát khỏi nơi ấy cho đến khi trả hết đồng bạc cuối cùng!”
SUY NIỆM 1: Tha thứ
Vào thời thế chiến thứ nhất, khi nhận được tin con trai yêu quí của mình tử trận, nữ bá tước Litsi rất đau khổ và hầu như mất cả nghị lực. Tuy nhiên bà vẫn cố gắng lao mình vào việc chăm sóc bệnh nhân trong bệnh viện do bà sáng lập. Một ngày nọ, một binh sĩ Đức được chở tới bệnh viện. Dù người lính này thuộc phe đối nghịch nhưng bà vẫn tận tình săn sóc. Khi soạn đồ đạc của anh, bà thấy chiếc ví và đồng hồ của con trai mình trong túi áo người lính. Vừa bàng hoàng, vừa tức giận, bà đã thốt lên: “Đây đúng là kẻ đã giết con tôi”. Nhưng ngay lúc đó một mảnh giấy trong chiếc ví của con bà rơi ra, bà vội nhặt lên đọc; nét chữ quen thuộc đập vào mắt bà: “Mẹ yêu quí, con luôn nhớ đến và cầu nguyện cho mẹ. Nếu chẳng may con tử trận, xin mẹ đừng quá đau buồn, hãy can đảm chịu đau khổ và cầu nguyện cho con”. Sau một hồi xúc động, bà cúi xuống tiếp tục săn sóc người lính một cách tận tình. Những giọt nước mắt tha thứ trào ra từ đôi mắt bà.
Trong cuộc sống thường ngày, chắc chắn chúng ta không có dịp để tha thứ cho những xúc phạm nặng, nhưng những phiền lòng nho nhỏ thì không thiếu và do đó chúng ta luôn được mời gọi để tha thứ. Tác giả tập sách Đường Hy Vọng đã ghi lại kinh nghiệm như sau: “Đừng tức tối vì người ta chỉ trích con, hãy cám ơn vì còn bao nhiêu tồi tệ khác nơi con mà người ta chưa nói tới. Chúa nói: nếu ai làm mất lòng con, hãy để của lễ về làm hoà với người ấy trước; còn con, con làm ngược lại: cứ dâng của lễ và phóng thanh cho mọi người biết. Con không khuyết điểm tại sao lại tức tối và tấn công khuyết điểm của người khác.”
Thật ra, tha thứ không phải là điều dễ. Nhưng đó lại là điều kiện để tôn vinh Thiên Chúa một cách xứng đáng: “Nếu ngươi đang dâng của lễ nơi bàn thờ mà sực nhớ anh em đang có điều bất bình với ngươi, hãy đặt cuả lễ trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em trước, rồi hãy đến mà dâng của lễ”. Tha thứ không có nghĩa là một sự cắt đứt, nhưng là bắt đầu lại mối tương quan tốt đẹp với người anh em, theo gương Chúa đã tha thứ và bắt đầu lại mãi với mỗi người chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 2: Sự thánh thiện đích thực
Chân phước Marchello, một kỹ nghệ gia giàu có người Italia, đã bán hết tất cả gia sản và sang Châu Mỹ La tinh phục vụ những người phong cùi, có kể lại câu chuyện như sau: tại một viện bài phung giữa rừng già miền Amazone, có một người đàn bà thoạt nhìn qua ai cũng thấy đáng thương. Từ nhiều năm qua, vì phong cùi, bà bị chồng con bỏ rơi, bà sống đơn độc trong một túp lều gỗ, mặt mũi đã bị đục khoét đến độ không còn hình tượng con người nữa.
Mang đến cho bà vài món quà, chân phước Marchello hỏi bà:
– Bà làm gì suốt ngày? Có ai đến thăm bà không?
Người đàn bà trả lời:
– Tôi sống đơn độc một mình. Tôi không còn làm được gì nữa, tay chân bại liệt, mắt mũi lại chẳng còn trông thấy gì nữa.
Marchello tỏ ra cảm thông trước nỗi khổ của bà, ngài hỏi:
– Vậy chắc bà phải cô đơn buồn chán lắm phải không?
Người đàn bà liền nói:
– Thưa ngài, không. Tôi cô độc thì có, nhưng tôi không hề cảm thấy buồn hoặc bị bỏ rơi, bởi vì tôi cầu nguyện suốt ngày và tôi luôn cảm thấy có Chúa bên cạnh.
Ngạc nhiên về lòng tin của bà, chân phước Marchello hỏi tiếp:
– Thế bà cầu nguyện cho ai?
Người đàn bà như mở to được đôi mắt mù lòa, bà nói:
– Tôi cầu nguyện cho Ðức Giáo Hoàng, cho các Giám Mục, Linh mục, Tu sĩ. Tôi cầu nguyện cho những người phong cùi bị bỏ rơi, cho các trẻ em mồ côi, cho tất cả những ai giúp đỡ trung tâm này.
Chân phước Marchello ngắt lời bà:
– Bà không cầu nguyện cho bà sao?
Với một nụ cười rạng rỡ, người đàn bà quả quyết:
– Tôi chỉ cầu nguyện cho những người khác mà thôi, bởi vì khi người khác được hạnh phúc, thì tôi cũng được hạnh phúc.
Thái độ sống và cầu nguyện của người đàn bà phong cùi trên đây minh họa cho sự thánh thiện đích thực là người chỉ sống cho người khác, lấy hạnh phúc của người khác làm của mình. Ðể có được thái độ như thế, chắc chắn phải có một đức tin sâu xa, một đức tin luôn đòi hỏi con người nhận ra hình ảnh của Thiên Chúa trong mọi người và yêu thương mọi người. Như vậy, thánh thiện và bác ái cũng là một: thánh thiện mà không có bác ái là thánh thiện giả hình.
Chúa Giêsu đã đến để đem lại cho sự thánh thiện một nội dung đích thực. Ngài đề ra một mẫu mực thánh thiện hoàn toàn khác với quan niệm và thực hành của người Biệt Phái và Luật Sĩ, tức là những nhà lãnh đạo tôn giáo thời đó. Theo họ, thánh thiện là chu toàn một cách chi li và máy móc những luật lệ đã được quy định mà không màng đến linh hồn của lề luật là lòng bác ái; họ có thể trung thành tuyệt đối với những qui luật về ăn chay và cầu nguyện, nhưng lại sẵn sàng khước từ và loại bỏ tha nhân.
Ðả phá quan niệm và cách thực hành của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, Chúa Giêsu đưa bác ái vào trọng tâm của lề luật; hay đúng hơn, Ngài tóm lại tất cả lề luật thành một luật duy nhất, đó là lòng bác ái. Ai muốn làm môn đệ Ngài, người đó phải vượt qua quan niệm và cách thực hành đạo của những người Biệt Phái và Luật Sĩ, nghĩa là cần phải lấy bác ái làm linh hồn và động lực cho toàn cuộc sống: “Nếu các con không ăn ở công chính hơn những Biệt Phái và Luật Sĩ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”
Quả thật, nếu an bình, hân hoan, hạnh phúc là thể hiện của Nước Trời ngay trong cuộc sống này, thì chúng ta chỉ được vào Nước Trời, nếu chúng ta biết sống cho tha nhân mà thôi. Sống vui và hạnh phúc, phải chăng không là mơ ước của mọi người, nhưng liệu mỗi người có ý thức rằng bí quyết của hạnh phúc và niềm vui ấy chính là sống cho tha nhân không? Kỳ thực, các thánh là những người đạt được niềm vui và hạnh phúc ấy ngay từ cuộc sống này. Người Tây phương đã chẳng nói: “Một vị thánh buồn là một vị thánh đáng buồn” đó sao?
Nguyện xin Chúa cho chúng ta luôn biết tìm kiếm và cảm nếm được niềm vui và hạnh phúc đích thực trong yêu thương và phục vụ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Anh hãy làm như vậy
Thầy bảo thật cho anh em biết nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
“Anh em đã nghe luật người xưa rằng: Chớ giết người, ai giết người thì đáng bị đưa ra tòa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì phải đưa ra tòa. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì phải đưa ra trước thượng hội đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì phải bị lửa hỏa ngục thiêu đốt.”(Mt. 5, 20-22)
Mọi người làm thế, anh hãy làm như vậy! hay câu: “Ai sao, tôi vậy”. Đó là một trong câu châm ngôn được rêu rao trong công chúng. Trong thế giới chúng ta đang sống, những phương tiện thông tin không mấy khi loan tin đúng đắn và càng ít tính chất giáo dục. Chúng ta luôn là nạn nhân bị xô đẩy bởi những quảng cáo nhằm đoàn ngũ hóa từ cách hành động đến lối suy nghĩ của chúng ta. Người ta nhấn mạnh chúng ta phải ăn những món ăn này, uống những thứ nước kia, thí dụ họ bảo phải ăn thứ dồi xúc xích này vì mọi người ăn nó, phải uống nước ngọt kia vì mọi người uống nó. Cả đến cách ăn mặc cũng phải mặc quần áo đồng phục, nam nữ như nhau. Chúng là dấu chỉ của phong trào đoàn ngũ hóa, làm mất nhân cách độc đáo của mình và hóa thành đồng loạt. Khuynh hướng này còn dẫn tới cả phương diện luân lý và lối hành xử cá nhân nữa: mọi người làm thế, anh cũng phải thế … như thể người ta đúc khuôn hạnh kiểm bắt mọi người chui vào đó cho đồng đều.
Ngôn sứ Ê-giê-ki-en nhắc nhở chúng ta phải nhớ đến trách nhiệm cá nhân. Chúng ta là những cá nhân nghĩa là chúng ta có những chọn lựa những hành vi xấu tốt theo cá tính mình và bảo đảm về những hậu quả đó. Chúng ta không thể chất những gánh nặng lên vai người khác. “Ta sẽ phán xét mỗi người theo đường lối của họ”. Người công chính sống theo đường công chính của mình, kẻ dữ sẽ chết vì đường hư đốn của nó. Họ sẽ bị xử theo sự lựa chọn cá nhân họ, chứ không theo một thời đại. Trong Tin mừng, Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa. Luật cũ cấm giết người, Đức Ki-tô còn cấm chửi, mắng, giận anh em mình và Người còn cấm đến tận căn nguyên sinh ra những hành động xấu nữa: là tấm lòng, là con tim mỗi người.
Ai bất hòa với anh em thì mối giây liên đới với Thiên Chúa cũng bị cắt đứt. Yêu thương anh em là điều kiện cần thiết: Không có lòng mến Chúa thật, nếu lòng mến đó không bám rễ trong lòng hòa thuận với anh em, bất cứ hành vi thờ phượng nào cũng sẽ vô nghĩa và không thể đẹp lòng Thiên Chúa nếu không có hòa bình ngự trị giữa anh em với nhau.
Mùa chay là thời giờ chúng ta tới gần Chúa, nhưng Đức Giê-su nói với chúng ta rằng: “Hãy coi chừng, trước hết, hãy xem xem tâm trạng của con đối với anh em con thế nào”.
G.M
Suy niệm 4:
Ngày 5-2-2009, trong một cuộc gặp gỡ thường niên có tính tôn giáo,
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chia sẻ với các tham dự viên:
“Dù chúng ta chọn niềm tin nào, hãy nhớ rằng
chẳng có tôn giáo nào lấy căm thù làm giáo lý chủ yếu cho mình…
Chẳng có Thiên Chúa nào lại dung túng
chuyện cướp đi mạng sống của một người vô tội.”
Trên núi Sinai, ông Môsê đã nhận được giới răn “Ngươi chớ giết người.”
Đức Giêsu cho thấy uy quyền của mình trong việc giải thích giới răn ấy.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết…”
Ngài đã đẩy giới răn này đi xa hơn nhiều, vào tận trái tim con người:
“Ai giận anh em mình thì đáng bị đưa ra tòa” (c. 22).
Tình cảm nóng giận có thể dẫn đến nhiều chuyện không hay.
Nó khiến người ta dùng lời nói mà lăng mạ, làm nhục người khác.
Giận mất khôn, nóng giận thậm chí có thể đưa đến chỗ giết người.
Nhưng Đức Giêsu không muốn loại trừ thứ nóng giận chính đáng,
như ta thấy có nơi Ngài (x. Mc 3,5; Mt 23,17).
Mùa Chay là thời gian dành cho việc làm hòa với người anh em.
Đây là công việc vừa quan trọng, vừa cấp bách.
Quan trọng đến nỗi đòi ta để của lễ lại trước bàn thờ
và đi làm hòa với người anh em đó, rồi mới trở lại dâng của lễ.
Tương quan với Thiên Chúa cần được diễn ra trong bầu khí hòa thuận.
Chúa chỉ nhận lễ vật khi trái tim ta bình yên.
Điều đáng lưu ý là chúng ta phải đi làm hòa
với các anh em đang có điều bất bình với ta,
phải đi bước trước làm hòa dù ta chẳng phải là người gây chuyện.
Nhưng cũng phải làm hòa với cả thù địch của mình (c. 25).
Trên đường bị đưa đến cửa công, cần mau mau dàn xếp cho ổn thỏa.
Cần trả ngay món nợ chưa thanh toán, kẻo bị kết án và tống ngục.
Làm sao thời gian Mùa Chay vừa là thời gian ta làm hòa với Chúa,
vừa là thời gian ta làm hòa với một người đang sống gần bên.
Đó là thời gian người con cả thôi đứng ngoài cổng,
nhưng vào nhà để chung vui với cha và ôm lấy người em.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa,
lúc đầu chúng con chỉ muốn cầm tay nhau
để làm thành một vòng tròn khép kín.
Sau đó chúng con hiểu rằng
cần phải buông tay nhau
để nhận những người bạn mới,
để vòng tròn được mở rộng đến vô cùng
và trái tim được lớn lên mãi.
Lạy Chúa, chúng con biết rằng
cần phải nối vòng tay lớn
xuyên qua các đại dương và lục địa.
vòng tay người nối với người,
vòng tay con người nối với Tạo Hóa.
Chúng con thích Chúa
đứng chung một vòng tròn
với tất cả loài người chúng con,
nắm lấy tay chúng con
và đưa chúng con lên cao.
Ước gì việc Chúa giang tay trên thập giá
giúp chúng con biết cầm lấy tay nhau
và nhận nhau là anh em. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM:
1. Hai đức công chính
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giêsu nói: “Nếu sự công chính của anh em không vượt qua sự công chính của các luật sĩ và Pharisiêu, thì anh em không được vào Nước Trời”. Như vậy, có hai sự công chính:
Sự công chính thứ nhất đến từ việc giữ luật, và luật căn bản nhất là luật chớ giết người mà Đức Giêsu nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay; và bởi vì luật này liên quan đến sự sống, chúng ta được mời gọi hiểu lời của Đức Giê-su liên quan đến tất cả lề luật, vì lề luật có mục đích bảo vệ, duy trì và làm cho sự sống lớn lên.
Sự công chính thứ hai đến từ lòng ước ao và sống hết mình theo Lời của Đức Giêsu; và không chỉ sống theo, nhưng còn sống bằng lời của Ngài, vì chúng ta được tạo dựng bởi Ngài và cho Ngài (St 1; Ga 1, 3; Cl 1, 16-17). Chúng ta nên nhớ rằng Lời của Đức Giêsu và ngôi vị của Ngài là một, bởi lẽ Ngài là Ngôi-Lời.
Sự khác biệt giữa hai đức công chính thật là triệt để: đức công chính thứ nhất chỉ dừng lại ở việc giữ Luật theo mặt chữ không có khả năng dẫn người ta vào Nước Trời; trái lại, đức công chính mà Đức Giêsu công bố và thể hiện cách tuyệt hảo và tuyệt đối nơi cuộc Thương Khó, mới là sự công chính của Nước Trời và dẫn người ta vào Nước Trời.
2. Đức công chính của Lề Luật
Đạt được đức công chính theo Luật, trong thực tế đôi khi không dễ, nhưng xét cho cùng, nằm trong tầm tay của chúng ta. Chẳng hạn, chẳng ai trong chúng ta đã vi phạm luật “chớ giết người”, và có lẽ đến cuối đời, chắc chắn cũng chẳng bao giờ vi phạm. Nhưng, phải chăng như thế đã là công chính, khi mà cõi lòng của chúng ta đầy giận hờn ghét ghen, khi mà lời nói của chúng ta gây ra tai họa cho người khác, thậm chí có khả năng “giết chết”? Sách Huấn Ca nói: “Có nhiều kẻ gục ngã vì lưỡi kiếm, nhưng làm sao sánh được với những kẻ gục ngã vì lưỡi người?” (Hc 28, 18)
Và thánh Gioan nói rằng ai ghét anh em mình đã là kẻ sát nhân rồi. Lời này của thánh Gioan là một kết luận thật chính xác từ chính lời của Đức Giê-su nói với chúng ta hôm nay: ai giận, mắng hay chửi anh em thì đáng bị xét xử y như người phạm tội giết người. Bởi lẽ, khi ghét anh chị em của mình, là chúng ta đã loại trừ người ấy ngay trong lòng của mình rồi; và nghiêm trọng hơn, lòng ghen ghét là nọc độc gây chết chóc cho người mang nó trong người và cho cả người phải gánh chịu nó. Chúng ta thử nghĩ xem, chúng ta sẽ rơi vào tình trạng nào khi nhận ra rằng có ai đó ghét bỏ mình. Bởi vì lòng ghen ghét tự nó có khả năng gieo rắc bầu khí chết chóc. Vậy mà loài người chúng ta, giữa người với người, giữa các nhóm và giữa các dân tộc với nhau, đang sống trong một bầu khí như thế đó!
3. Đức công chính của Đức Giê-su
Trong bài Tin Mừng hôm nay và trong những ngày sắp tới, đến từ Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su mời gọi chúng ta vượt qua đức công chính theo Luật; và để vượt qua, Người mời gọi chúng ta hành động khởi đi từ “nguồn gốc”:
Nguồn gốc của mọi hành động xấu xa, và trong trường hợp hành vi giết người, nguồn gốc của nó là sự giận dữ trong lòng và ở những lời mắng chửi. Đức Giêsu mời gọi chúng ta loại trừ hành vi giết người ngay từ gốc rễ của nó!
Hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động khởi đi từ gốc rễ sâu thẳm nơi cõi lòng chúng ta, đó là sự thiện tuyệt đối, khiến chúng ta có khả năng đi bước trước làm hòa với người anh em mà không cần đặt vấn đề theo luật định: ai đã gây ra chuyện này, ai đã bắt đầu trước? Và khiến chúng ta có khả năng làm hòa với nhau, thay vì đem nhau ra tòa, ở đó mỗi người sẽ phải lớn tiếng tự biện minh cho mình; và để biện minh cho mình, thì phải kể tội, phải chứng minh người kia có tội, nghĩa là “tố cáo” nhau[1]; sau đó tất yếu theo luật định, một trong hai người sẽ bị tuyên án và bị giam vào tù ngục; và điều gì bảo đảm rằng quan tòa sẽ chí công vô tư, sẽ đứng về phía người ngay? Đức Giêsu mời gọi chúng ta đừng ứng xử với nhau theo Luật, đừng để cho hệ thống Lề Luật giải quyết tương quan của chúng ta với nhau, vì sẽ là tai họa. Kinh nghiệm sống của chúng ta cho thấy như vậy. Đức Giêsu mời gọi chúng ta thực hiện điều mà chính Ngài đã thực hiện cho chúng ta: nơi Thập Giá của Đức Ki-tô, Thiên Chúa không ứng xử với chúng ta theo Luật (x. Rm 8, 1).
Hành động theo nguồn gốc, còn là hành động theo ơn huệ tuyệt đối nhưng không mà mỗi người chúng ta đều nhận được ở khởi đầu của sự sống: nhận được nhưng không, thì cho nhưng không. Cũng vậy, ở khởi đầu của công trình sáng tạo, Thiên Chúa ban ơn một cách tuyệt đối nhưng không.
Hành động khởi đi từ nguồn gốc, còn là hành động theo cung cách của chính Thiên Chúa, Cội Nguồn của mọi sự, như Đức Giê-su mời gọi: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (c. 48). Điều này có nghĩa là, Người mời gọi chúng ta sống điều chúng ta vẫn nói trong đời thường: “Cha nào con nấy”; và Thiên Chúa, Đấng hoàn thiện “ở trên trời”, nhưng cũng hiện diện nơi sâu thẳm của mỗi người chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa.
* * *
Như thế, sự công chính đích thực mà Đức Giêsu mời gọi chúng ta sống, không hệ ở việc giữ luật thật chi li, bởi vì nơi của sự công chính đúng hơn nằm ở trung tâm vô hình sâu thẳm của con người. Chính con người cũng chẳng đạt tới đó được nếu chỉ với nỗ lực riêng của mình. Chỉ có một mình Thiên Chúa mới “thanh tẩy” được chốn thâm sâu đó của con người mà thôi. Một cách tận cùng, lời của Đức Giêsu mời gọi chúng ta đi đến tâm tình khiêm tốn, khiêm tốn với Thiên Chúa, khiêm tốn với người khác và khiêm tốn với chính mình, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:
Nhưng nào ai nhận định được các lầm lỗi của mình ? Xin thanh tẩy con khỏi những lầm lỗi vuột khỏi con. (Tv 19, 13)
Dấu chỉ của tình trạng người ta vẫn còn dừng lại ở bề mặt của Lề Luật, đó là khi người ta dựa vào Lề Luật để dò xét, tố cáo và kiêu ngạo. Điều này đúng cả với những lời của Môsê và với những lời của Đức Kitô. Thánh Vịnh 19 là một lời nguyện hướng tới việc tuân giữ Lề Luật (c. 12), nhưng điều tuyệt vời là lời nguyện này lại kết thúc với lời cầu xin cho mình đừng rơi vào cái bẫy lớn nhất mà ma quỉ giăng ra, bẳng cách dựa vào Lề Luật: “Con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con” (Lc 18, 11-12):
Xin cũng giữ cho tôi tớ Ngài khỏi kiêu ngạo,
đừng để nó thống trị con.
Như thế con sẽ không có gì đáng trách,
thanh sạch khỏi một trọng tội. (c. 14)
Xa khỏi bề mặt của sáng tạo, xa khỏi bề mặt của Lề Luật, ẩn dấu điều bí mật lớn nhất của chúng, đó là sự khiêm tốn. Theo lời nguyện của Tv 19, sáng tạo và Lề Luật được hoàn tất trong sự khiêm tốn, vốn là điều dấu ẩn nhất. Bởi vì, Đức Giê-su, Ngôi Lời Nhập Thể, là Đấng “hiền lành và khiêm nhường” (x. Mt 11, 28-29).
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
…………………………………………………………
[1] Theo mặc khải Kinh Thánh, “tố cáo” là hành vi đặc trưng của Satan, đến độ Satan có thêm một tên riêng là “Kẻ Tố Cáo” (x. Kh 12, 10).