Thứ Ba tuần 7 thường niên.
“Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Lời Chúa: Mc. 9, 29-36
Khi ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ từ trên núi xuống, rồi đi ngang qua xứ Galilêa và Người không muốn cho ai biết. Vì Người dạy dỗ và bảo các ông rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người ta và họ sẽ giết Người. Khi đã bị giết, ngày thứ ba, Người sẽ sống lại”. Nhưng các ông không hiểu lời đó và sợ không dám hỏi Người.
Các ngài tới Capharnaum. Khi đã vào nhà, Người hỏi các ông: “Dọc đàng các con tranh luận gì thế?” Các ông làm thinh, vì dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất.
Bấy giờ Người ngồi xuống, gọi mười hai ông lại và bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Và Người đem một em bé lại đặt giữa các ông, rồi ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy”.
Suy Niệm 1: Làm tôi tớ mọi người
Ở cuối văn kiện Tòa Thánh, các Ðức Giáo Hoàng thường ghi dòng chữ này cùng với chữ ký của mình: “Tôi tớ của các tôi tớ”. Ðây là tinh thần mà Chúa Giêsu muốn tất cả các vị lãnh đạo trong Giáo Hội phải có, như được đề cập đến trong bài Tin Mừng hôm nay: “Ai muốn làm đầu thì phải làm người rốt hết, và làm tôi tớ mọi người”.
Cám dỗ về quyền hành và cám dỗ lạm quyền là sự kiện thường xuyên và mãnh liệt đối với con người mọi thời. Chính những cám dỗ ấy cũng đã xảy ra cho Nhóm Mười Hai Tông đồ. Thật vậy, vào chính lúc Thầy của các ông loan báo về cuộc khổ nạn và cái chết của Ngài, thay vì dừng lại và chia sẻ với Thầy, hoặc nếu chưa hiểu thì trao đổi với Thầy để am tường hơn, các ông đã có thái độ ích kỷ, vụ lợi; các ông tưởng thời lập quốc của Ðấng Mêsia và ngày vinh quang của các ông đã tới, thế là các ông bắt đầu tranh cãi về địa vị với nhau. Chính các ông cũng cảm thấy sự tranh cãi như thế là đáng trách, bởi vì khi được Chúa Giêsu hỏi, các ông đã làm thinh.
Và rồi sự việc đã diễn biến không như các ông tưởng nghĩ, bởi vì đối với Chúa Giêsu, trong Nước Trời tồn tại ở trần gian này, cho dù vẫn có tôn ti trật tự, nhưng đó là một trật tự lạ lùng: Người làm lớn sẽ là người hầu hạ kẻ khác, người nhỏ nhất phải là đối tượng để được hầu hạ. Rốt cuộc, chúng ta có thể hầu hạ ai chính là vì chúng ta muốn hầu hạ Chúa Giêsu trong họ, và chúng ta có được hầu hạ ai, thì cũng chỉ vì họ đang hầu hạ Chúa Giêsu nơi chúng ta. Như vậy, điều quan trọng không phải là làm lớn hay làm nhỏ trong Nước Trời, chỉ có Thiên Chúa là nhân vật quan trọng trong Nước Trời, và làm lớn hay làm nhỏ, tất cả đều phục vụ Thiên Chúa mà thôi.
Bài Tin Mừng hôm nay vẫn thường được dùng làm kim chỉ nam cho việc thi hành quyền bính trong Giáo Hội. Nếu mọi người, kẻ cầm quyền cũng như người dưới quyền đều hiểu và thực thi giáo huấn này, chắc chắn Giáo Hội sẽ trở nên thu hút hơn đối với nhân loại, nhất là đối với con người hôm nay đã quá mệt mỏi với những hình thức mị dân, lạm quyền, dua nịnh của giới lãnh đạo; người ta sẽ nhận ra nơi đó khuôn mặt của Chúa Kitô một cách rõ ràng hơn, một Chúa Kitô lãnh đạo bằng cách bị nộp, bị giết chết vì người khác.
Bao lâu xã hội loài người còn, thì bấy lâu bài học Chúa dạy hôm nay vẫn còn giá trị, bởi vì cám dỗ về quyền lực và lạm quyền đã ăn sâu trong mỗi người và trong mọi cơ chế xã hội. Nhưng để bài học ấy tác động mạnh mẽ và hữu hiệu, chúng ta cần nghĩ tới hình ảnh của Chúa, Ðấng lãnh đạo dân Chúa, nhưng đã trở thành tôi tớ cho mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy Niệm 2: Để làm người lớn
Đức Giêsu và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Galilê. Nhưng Đức Giêsu không muốn có ai biết, vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại.” Nhưng các ông không hiểu những lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. (Mc. 9, 30-32)
Chúng ta đang sống trong một xã hội cạnh tranh gay gắt, một thế giới mà con người giành giật nhau, tiêu diệt nhau khi người này làm trở ngại cho thành công của người kia. Điều đó được thấy rõ trong quảng cáo. Bạn có thể đọc trong mục rao vặt cúa những tờ nhật trình, những yêu cầu cần người đại loại như sau: “Cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng.” Đây không phải là một thông tin của quân đội mà là của một xã hội bán những cái máy hút bụi. Người ta cần một thanh niên năng nổ, chiến thắng đối với những khách hàng tình cờ. Người thanh niên càng năng nổ, có tinh thần chiến thắng càng sẽ được tuyển vào làm trong công ty. Hoàn cảnh trong Phúc âm hôm nay cũng gần tương tự. Các tông đồ coi Nước Trời như chuyện buôn bán cạnh tranh vậy… thế là Chúa Giêsu phải lên tiếng can thiệp.
Đây là lần thứ hai, Chúa Giêsu có ý loan báo cho các ông về cái chết và phục sinh của Người. Giáo huấn này thật vô vị: Các ông chẳng hiểu, tệ hơn nữa, cũng chẳng thèm hỏi han gì. Lời Chúa chẳng vang dội trong tâm khảm các ông. Các ông bàn tán về đề tài các ông ưa thích: ai là người lớn hơn cả?
Về tới nhà
Về tới nhà, Chúa Giêsu ngồi xuống, quy tụ các môn đệ lại chung quanh Người. Lần này, Người muốn cho các ông phải hiểu. Người dùng chính lời lẽ của các ông để diễn tả: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” Các ông muốn làm người lớn, là người quan trọng trong Giáo hội, điều này chẳng phải là xấu. Các ông là người thế nào, có tham vọng làm lớn tới đâu, thì Chúa nhận như vậy thôi, nhưng Chúa Giêsu chỉ cho các ông phương thế làm lớn trong Giáo hội. Làm lớn, chính là trở nên người bé nhỏ; làm người quan trọng, chính là coi mình chẳng là gì; là ông chủ, thì phải làm người phục vụ; làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết.
Để cho các ông hiểu rõ sự nghịch lý này, Chúa Giêsu làm một dụ ngôn bằng động tác: Người đem một em nhỏ, đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy…” Em nhỏ ở đây, chính là biểu tượng của tất cả những gì bé nhỏ, hèn mọn, tùy thuộc, cần được người khác chăm sóc, mà không thể cho lại được cái gì. Chúa Giêsu hàm ý rằng điều làm cho người ta nên cao cả là khả năng tiếp đón bản thân Người và khi người ta tiếp đón vì danh Người, một người yếu đuôí, vô phương tự vệ, thì khả năng đó còn lớn hơn nữa bội phần. Ai trong anh em muốn làm người đứng đầu thì hãy tự mình phục vụ những người ít được kính nể, những người bị tước đọat nhất, hãy làm người phục vụ những người bé mọn nhất, và làm như thế vì danh Thầy, bởi lẽ Thầy yêu cầu như vậy.
Suy niệm 3:
Ngoài chuyện chậm tin, chậm hiểu,
các môn đệ còn có một điểm yếu là hay cãi nhau.
Họ cãi nhau xem ai là người lớn nhất trong nhóm.
Người ấy sẽ là người đứng đầu trong Nước sắp tới của Đấng Mêsia.
Tiếc thay trong bài Tin Mừng hôm nay,
họ lại cãi nhau khi đang đi ngoài đường (c. 33).
Tệ hơn nữa, họ cãi nhau ngay sau khi Thầy Giêsu loan báo lần thứ hai
về cái chết và sự phục sinh sắp đến của mình (c. 31).
Hẳn Thầy Giêsu rất đau vì thấy học trò của mình khá trần tục.
Dù đang đi với Thầy trên cùng một con đường,
nhưng họ vẫn để lòng mình theo đuổi vinh quang thế gian.
Đức Giêsu quả là một bậc thầy về sự điềm đạm.
Ngài đợi tới khi về nhà ở Caphácnaum mới gợi lại chuyện trên đường.
Ngài làm như mình không rõ về đề tài câu chuyện :
“Dọc đường anh em đã bàn tán điều gì vậy ?”
Khi các ông mắc cỡ làm thinh, không dám nói ra chuyện cãi nhau (c. 34),
Thầy Giêsu cũng chẳng nỡ ép các ông phải nói.
Ngài ngồi xuống như một vị thầy bắt đầu giảng dạy (c. 35),
gọi Nhóm Mười Hai lại – nhóm các nhà lãnh đạo tương lai của Giáo Hội –
và đưa ra một nguyên tắc chi phối việc quản trị cộng đoàn :
“Nếu ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết của mọi người
và làm người phục vụ cho mọi người (c. 35).
Câu nói trên của Đức Giêsu mở ra một cuộc cách mạng nơi tâm con người.
Đức Giêsu không dạy ta lật đổ người đứng đầu để chiếm lấy quyền lực.
Ngài cũng không đòi ta bỏ ước mơ làm lớn.
Ngài dạy cho ta cách trở nên lớn lao thực sự trước mặt Thiên Chúa.
Đó là trở nên người phục vụ mọi người, sống như ngài đã sống :
“Suốt đời Thầy đã sống giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22, 27).
Nếu làm đầu mà phải phục vụ thì có ai muốn làm người đứng đầu nữa không ?
Lịch sử của nhân loại là lịch sử của những cuộc cãi nhau không ngớt
giữa các quốc gia, các tôn giáo, các bộ tộc, và ngay trong giáo xứ, gia đình.
Đề tài muôn thuở vẫn là quyền lực, chức tước, địa vị, tiếng tăm.
Ai cũng muốn làm đầu, làm lớn để được phục vụ, để khỏi phải hầu bàn.
Ước gì chúng ta hiểu rằng quyền uy chỉ là giấy phép để phục vụ.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin cất khỏi con mọi lo lắng bề ngoài.
Xin tha thứ cho con
vì đã quá bận tâm
đến những điều mình nói,
đến ảnh hưởng của mình,
đến những điều người ta nói và nghĩ về con.
Xin tha thứ cho con
vì muốn nên giống kẻ khác
mà quên mất chính mình,
vì khao khát có được những đức tính của họ,
mà quên phát triển bản thân.
Xin tha thứ cho con
vì đã mất nhiều thời gian
cho việc phô trương
hơn là cho việc xây dựng bản thân.
Xin cho con biết cởi mở với anh em;
nhờ đó Chúa có thể đến với con
như đến với một người bạn.
Và Chúa sẽ làm cho con nên “người”
mà Chúa mong muốn trong tình yêu của Ngài
vì con là con của Chúa
và là anh em của mọi người.
Michel Quoist
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
SUY NIỆM:
1. Ai lớn nhất ?
Trên đường đi theo Đức Giêsu, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận và đặt ngay sau khi Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó mà Ngài sẽ trải qua. Thánh Luca nói rằng đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng », và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (Lc 22, 24). Thánh Mát-thêu, đẩy vấn đề đi xa hơn : họ đến hỏi trực tiếp Đức Giêsu để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời !
Lược qua một chút bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật, như thế là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị nhau, loại trừ nhau; ngoài ra, đó là một căn bệnh nghiêm trọng, còn là vì bệnh này là bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường, vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt về ngoại hình, vì thua kém trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và tự xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc. Hơn nữa, tranh đua dựa trên qui luật “mạnh được yếu thua”, vốn qui luật ít nhân tính nhất, nếu không muốn nói, thuộc bình diện thú tính!
2. Cách Đức Giêsu « chữa lành »
Cách Đức Giêsu chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giêsu giải quyết ; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung :
- Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : muốn làm lớn phải không ? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Tin Mừng Luca)! Hãy thay đổi và trở nên như trẻ con (theo Tin Mừng Mát-thêu). Hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
- Để các môn đệ đừng hiểu mơ hồ những khái niệm « nhỏ nhất », « trẻ con », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giêsu đem một em bé tới đặt giữa họ.
- Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giêsu đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ».
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”. Cách Đức Giê-su trả lời như thế và cách ba Tin Mừng thuật lại như vậy, trong thực tế có thể lại gây ra một cuộc tranh luận khác, còn sôi nổi và gay gắt hơn : thế nào là nhỏ nhất, thế nào trẻ em, thế nào là rốt hết, thế nào là người phục vụ ? Bằng chứng là, chẳng có chú giải nào giống chú giải nào, chẳng có bài giảng nào giống bài giảng nào về vấn đề này.
Đó là vì, lời Đức Giê-su không phải là lí thuyết, thúc đẩy người ta phải đưa ra định nghĩa chính xác về khái niệm « nhỏ nhất » ; hơn nữa, điều mà Đức Giê-su muốn diễn tả, cũng không thể định nghĩa được. Thật vậy, « nhỏ nhất là gì », phải chăng là tuổi tác, là vóc dáng, là chức vụ, là trình độ học vấn, mức độ thánh thiện hay tội lỗi ? Lời của Đức Giê-su không đưa ra một tiêu chuẩn khác, để xếp loại hay một mô hình thứ bậc khác, nhưng là một tinh thần khác, một năng động khác, một con đường khác.
Vì thế, thay vì định nghĩa hay tranh cãi, lời của Đức Giê-su mời gọi chúng ta đưa ra một lựa chọn của con tim. Một khi con tim được Đức Giê-su chữa lành khỏi căn bệnh quyền bính, căn bệnh hơn người, căn bệnh vẻ bề ngoài, sẽ tìm được cách diễn tả tốt nhất trong cộng đoàn, dù mình là ai, có trách nhiệm hay nhiệm vụ gì.
3. Đức Giê-su ôm em bé
Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : Đức Giê-su ôm em bé ; và Ngài sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Vì thế, Chúa chữa không chỉ bằng lời và nhất là bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá.
Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa, như lời Thánh Vịnh loan báo (Tv 8, 3):
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc
Suy niệm Lời Chúa mỗi ngày – song ngữ
Tuesday (February 21): “Who is the greatest in God’s kingdom?”
Scripture: Mark 9:30-37
30 They went on from there and passed through Galilee. And he would not have any one know it; 31 for he was teaching his disciples, saying to them, “The Son of man will be delivered into the hands of men, and they will kill him; and when he is killed, after three days he will rise.” 32 But they did not understand the saying, and they were afraid to ask him. 33 And they came to Capernaum; and when he was in the house he asked them, “What were you discussing on the way?” 34 But they were silent; for on the way they had discussed with one another who was the greatest. 35 And he sat down and called the twelve; and he said to them, “If any one would be first, he must be last of all and servant of all.” 36 And he took a child, and put him in the midst of them; and taking him in his arms, he said to them, 37 “Whoever receives one such child in my name receives me; and whoever receives me, receives not me but him who sent me.” |
Thứ Ba 21-2 Ai là người lớn nhất trong nước Thiên Chúa?
Mc 9,30-37
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.”32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người.33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy? “34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả.35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.”36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói:37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.” |
Meditation: Whose glory do you seek? There can be no share in God’s glory without the cross. When Jesus prophesied his own betrayal and crucifixion, it did not make any sense to his disciples because it did not fit their understanding of what the Messiah came to do. And they were afraid to ask further questions! Like a person who might receive a bad verdict from the doctor and then refuse to ask further questions, they, too, didn’t want to know any more. How often do we reject what we do not wish to see? We have heard the good news of God’s word and we know the consequences of accepting it or rejecting it. But do we give it our full allegiance and mold our lives according to it? Ask the Lord to fill you with his Holy Spirit and to inspire within you a reverence for his word and a readiness to obey it.
Do you compare yourself with others?
How ashamed the disciples must have been when Jesus overheard them arguing about who among them was the greatest! But aren’t we like the disciples? We compare ourselves with others and desire their praise. The appetite for glory and greatness seems to be inbred in us. Who doesn’t cherish the ambition to be “somebody” whom others admire rather than a “nobody”? Even the psalms speak about the glory God has destined for us. You have made them a little lower than God, and crowned them with glory and honor (Psalm 8:5).
Jesus made a dramatic gesture by embracing a child to show his disciples who really is the greatest in the kingdom of God. What can a little child possibly teach us about greatness? Children in the ancient world had no rights, position, or privileges of their own. They were socially at the “bottom of the rung” and at the service of their parents, much like the household staff and domestic servants.
Who is the greatest in God’s kingdom?
What is the significance of Jesus’ gesture? Jesus elevated a little child in the presence of his disciples by placing the child in a privileged position of honor. It is customary, even today, to seat the guest of honor at the right side of the host. Who is the greatest in God’s kingdom? The one who is humble and lowly of heart – who instead of asserting their rights willingly empty themselves of pride and self-seeking glory by taking the lowly position of a servant or child.
Jesus, himself, is our model. He came not to be served, but to serve (Matthew 20:28). Paul the Apostle states that Jesus emptied himself and took the form of a servant (Philippians 2:7). Jesus lowered himself (he whose place is at the right hand of God the Father) and took on our lowly nature that he might raise us up and clothe us in his divine nature.
God wants to fill us with his own glory
God opposes the proud, but gives grace to the humble (James 4:6). If we want to be filled with God’s life and power, then we need to empty ourselves of everything which stands in the way – pride, self-seeking glory, vanity, etc. God wants empty vessels so he can fill them with his own glory, power, and love (2 Corinthians 4:7). Are you ready to humble yourself and to serve as Jesus did?
“Lord Jesus, by your cross you have redeemed the world and revealed your glory and triumph over sin and death. May I never fail to see your glory and victory in the cross. Help me to conform my life to your will and to follow in your way of holiness.” |
Suy niệm: Bạn tìm vinh quang của ai? Không thể chia sẻ vinh quang Thiên Chúa mà không có thánh giá. Khi Ðức Giêsu tiên báo về sự phản bội và đóng đinh của chính mình, nó đã chẳng có ý nghĩa gì đối với các môn đệ, bởi vì nó không phù hợp với sự hiểu biết của họ về những gì Đấng Mêsia đến để thực hiện. Và họ sợ không dám hỏi thêm gì nữa! Giống như một người nhận được lời phán quyết của bác sĩ, liền từ chối để hỏi thêm, các môn đệ cũng không muốn biết thêm nữa. Chẳng phải chúng ta rất thường khước từ những gì chúng ta không muốn thấy đó sao? Chúng ta nghe Tin mừng của lời Chúa và chúng ta biết những hệ quả của việc đón nhận nó hay khước từ nó. Nhưng chúng ta hoàn toàn trung thành với nó và uốn nắn đời sống mình theo nó không? Hãy cầu xin Chúa lấp đầy bạn Thánh Thần của Người và khơi dậy nơi bạn lòng tôn kính và sẵn sàng vâng phục lời của Người.
Bạn có so sánh mình với người khác không?
Các môn đệ phải xấu hổ biết bao khi Ðức Giêsu nghe lỏm họ đang cãi nhau xem ai là người lớn nhất! Nhưng chẳng phải chúng ta cũng giống như họ sao? Chúng ta so sánh mình với người khác và muốn được họ khen ngợi. Lòng ham muốn vinh quang và làm lớn xem ra bẩm sinh vốn ở trong chúng ta. Ai lại không có hoài bão trở thành “ai đó”, người kẻ khác hâm mộ, hơn là “không là ai cả”? Thậm chí Thánh vịnh nói về vinh quang Thiên Chúa đã dành cho chúng ta.Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên (Tv 8,5).
Ðức Giêsu đã làm một cử chỉ gây ấn tượng bằng việc ôm lấy một em nhỏ để tỏ cho các môn đệ biết ai thật sự là người lớn nhất trong nước Thiên Chúa. Một trẻ nhỏ có thể dạy chúng ta điều gì về sự cao cả? Trẻ em trong thế giới xưa không có quyền hành, địa vị, hay những đặc ân cho riêng chúng. Theo tính xã hội, chúng ở “chỗ thấp nhất của bậc thang” và sự phục vụ của cha mẹ, giống như người làm công và giúp việc trong nhà.
Ai là người lớn nhất trong nước TC?
Ý nghĩa của cử chỉ Ðức Giêsu làm là gì? Ðức Giêsu đã đặt một trẻ nhỏ trước mặt các môn đệ, bằng việc để em nhỏ trong một vị trí danh dự cao quý. Theo phong tục, ngay cả ngày nay, người khách được ngồi bên phải chủ nhà. Ai là người lớn nhất trong nước Thiên Chúa? Là người có tâm hồn khiêm nhường và nhỏ bé – người thay vì đòi quyền lợi của mình, sẵn sàng từ bỏ chính mình về sự kiêu ngạo và tìm kiếm vinh quang cho riêng mình, bằng việc đón nhận vị trí thấp hèn của người tôi tớ hay trẻ nhỏ.
Chính Ðức Giêsu là mẫu mực của chúng ta. Người đã không đến để được phục vụ, nhưng là để phục vụ (Mt 20,28). Phaolô tông đồ nói rằng Ðức Giêsu tự huỷ chính mình và mặc lấy thân phận tôi tớ (Pl 2,7). Ðức Giêsu tự hạ mình (Đấng có chỗ ở bên hữu Chúa Cha) và mặc lấy bản tính thấp hèn của chúng ta, để Ngài có thể nâng chúng ta lên và mặc cho chúng ta thần tính của Ngài.
TC muốn ban cho chúng ta vinh quang của Người
Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu ngạo, và ban ơn cho kẻ khiêm nhường (Gc 4,6). Nếu chúng ta muốn được tràn đầy sự sống và sức mạnh của Thiên Chúa, thì chúng ta cần tự hạ mình về mọi sự trên con đường đi – tính kiêu ngạo, tự tìm kiếm vinh quang – hư vô… Thiên Chúa muốn làm trống rỗng những bình chứa, để Người có thể lấp đầy chúng với vinh quang, sức mạnh, và tình yêu của chính Người (2Cor 4,7). Bạn có sẵn sàng hạ mình và phục vụ như Ðức Giêsu đã làm không?
Lạy Chúa Giêsu, qua thập giá Chúa đã cứu chuộc thế gian và bày tỏ vinh quang và chiến thắng của Chúa trên tội lỗi và sự chết. Chớ gì con không bao giờ quên nhìn vào vinh quang và chiến thắng của Chúa trong thập giá. Xin giúp con thích ứng cuộc đời con với ý Chúa và bước đi trong đường lối thánh thiện của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ