Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói rằng cuộc sống không phải là một vở kịch opera hay một trò chơi video. Vì vậy, chúng ta cần quan tâm tới ơn cứu rỗi đời đời của mình một cách nghiêm túc. Ngài nhấn mạnh điều này với các tín hữu có mặt tại Quảng trường Thánh Phê-rô trong giờ kinh Truyền Tin trưa ngày Chúa Nhật (21-08), khi suy nghĩ về ơn cứu độ.
Đức Thánh Cha lấy gợi hứng từ bài đọc Tin Mừng theo thánh Lu-ca (Lc 13,22-30). Khi Đức Giê-su đang trên đường lên Giê-ru-sa-lem thì có kẻ đến gần Ngài và hỏi xem có phải chỉ một số ít người được cứu hay không. Đức Giê-su không đưa ra câu trả lời trực tiếp, nhưng Ngài cho hay cánh cửa phải bước qua thì rất hẹp.
Đức Thánh Cha Dòng Tên giải thích: qua hình ảnh cánh cửa, Thiên Chúa muốn nói với các thính giả rằng đó không phải là vấn đề con số hay bao nhiêu người được cứu. “Bao nhiêu” không phải là chuyện đáng bàn, nhưng điều quan trọng là mọi người biết được cánh cửa dẫn đến ơn cứu độ.
Tại sao cửa lại hẹp
Đức Thánh Cha nêu lên những câu hỏi như: “Cánh cửa ở đâu? Nó giống cái gì? Ai là cánh cửa?” và nhắc nhớ mọi người rằng Đức Giê-su chính là cửa như Ngài đã từng nói trong Tin Mừng theo thánh Gio-an. Đức Thánh Cha biết rằng có nhiều người sẽ tự hỏi tại sao cánh cửa lại hẹp.
Và ngài trả lời: “Đó là một cánh cửa hẹp, không phải vì nó ngột ngạt – không, nhưng vì nó đòi chúng ta chế ngự thói tự kiêu và giảm bớt nỗi sợ hãi để khiêm tốn mở lòng tin tưởng nơi Chúa; nhận ra mình là tội nhân cần ơn tha thứ của Chúa.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh thêm: cửa cần phải hẹp để ngăn cản tính kiêu ngạo của chúng ta.
Thiên Chúa không “thích hơn”
Đức Thánh Cha: “Cánh cửa lòng thương xót của Thiên Chúa thì hẹp nhưng nó luôn rộng mở, rộng mở với hết mọi người! Thiên Chúa không thích người này hơn người khác, nhưng Ngài chào đón tất cả mọi người, không hề phân biệt.”
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nhấn mạnh: “Ơn cứu rỗi Thiên Chúa trao tặng là một nguồn suối xót thương vô tận. Nguồn suối ấy phá tan mọi rào cản và ban cho ta sự bình an cũng như nguồn sáng.”
Lời mời gọi tha thiết
Đức Thánh Cha ngỏ lời với những người có mặt tại Quảng trường thánh Phê-rô rằng, khi Đức Giê-su nói với các tín hữu ngày hôm nay, Ngài vẫn tiếp tục đưa ra một lời mời gọi tha thiết. Đức Giê-su mong chờ mọi người đến với Ngài để được hòa giải và được hạnh phúc. “Bất kể tội lỗi của ta là như thế nào, Thiên Chúa vẫn chờ đợi để ôm ấp ta và ban ơn tha thứ. Chỉ mình Thiên Chúa mới có thể biến đổi trái tim ta; và chỉ mình Ngài mới mang lại ý nghĩa đầy đủ cho sự hiện hữu của ta, mang lại cho ta niềm vui đích thực.”
Tránh xa khỏi những thái độ thế gian và thói hư tật xấu
Đức Thánh Cha: Khi bước vào cánh cửa của Đức Giê-su, tức là cánh cửa của Đức Tin và Tin Mừng, chúng ta sẽ thoát khỏi thái độ thế gian, thoát khỏi thói hư tật xấu do lòng ích kỷ và sự khép kín. Khi nào ta gặp được tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa, khi ấy “sẽ có một sự biến đổi thực sự,” và cuộc sống của ta sẽ được “chiếu dọi bởi ánh sáng Thần Khí: ánh sáng không thể dập tắt.”
Lời gợi ý
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô nói: “Tôi muốn đưa ra một lời gợi ý. Ngay bây giờ, chúng ta cùng thinh lặng trong giây lát để suy nghĩ về những điều bên trong vốn ngăn cản chúng ta bước qua cánh cửa: đó là tính kiêu ngạo và tội lỗi. Tiếp theo, chúng ta cùng hướng đến một cánh cửa khác đang rộng mở là lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng đang chờ đợi để tha thứ cho ta.”
Thiên Chúa đã cho chúng ta rất nhiều cơ hội để được cứu thoát và để bước vào cánh cửa ơn cứu độ. Đức Thánh Cha nói thêm: “Cánh cửa này là một cơ hội ta không được phép bỏ lỡ.”
Không phải trò chơi video hay là vở kịch opera
Đức Thánh Cha hiểu rằng sẽ có nhiều người tự hỏi: “Nếu Thiên Chúa là tốt lành và Ngài yêu thương chúng ta, thì tại sao vào một lúc nào đó Ngài sẽ đóng kín cánh cửa?”
Về điều này, Đức Thánh Cha trả lời: “Bởi vì cuộc sống của chúng ta không phải là một trò chơi video hay một vở kịch opera; cuộc sống thì hoàn toàn nghiêm túc và mục tiêu ta hướng tới là hết sức quan trọng: ơn cứu rỗi đời đời.”
Đức Thánh Cha Phan-xi-cô khép lại những lời chia sẻ của ngài trước khi đọc kinh Truyền Tin để xin Đức Ma-ri-a, Cánh Cửa Thiên Đường, chuyển cầu cho các tín hữu hầu họ có thể nắm bắt được cơ hội Chúa ban để đạt tới mục tiêu cuối cùng là ơn cứu độ.
Chuyển ngữ: Quang Khanh, S.J.
Nguồn Zenit.org 21-08-2016