Lễ Giỗ Mãn Tang Đức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Lúc 9giờ sáng nay, 18 tháng 8 năm 2016, Giáo phận Phan Thiết tổ chức lễ giỗ mãn tang Đức Cha Phaolô, nguyên Giám Mục Giáo Phận Phan Thiết và là đấng sáng lập Tu đoàn tại Nguyện đường Bát Phúc -Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.
xem hinh
Cha Phêrô Nguyễn Xuân Anh -Tổng Đại Diện Gp Phan Thiết chủ tế và giảng lễ. Hơn một trăm Linh mục trong và ngoài Giáo phận, các chủng sinh, quý tu sĩ nam nữ, quý linh tông huyết tộc thân nhân và đông đảo các thành phần Dân Chúa trong giáo phận hiệp thông cầu nguyện.
Khởi đầu thánh lễ, Cha Antôn Nguyễn Văn Thành – Phó Bề trên Tu đoàn đọc tiểu sử Đức cha Phaolô.
Sinh ngày 11-11-1932, tại Giáo xứ Phi Lộc, Huyện Diễn Châu, Tỉnh Nghệ An – Giáo Phận Vinh
Năm 1949 – 1954: Nhập Tiểu chủng viện xã Đoài – Gp. Vinh
Năm 1954 – 1957: Học tại Tiều Chủng Viện Di Cư, tại Sài Gòn
Năm 1957 – 1959: dạy Tiều Chủng Viện Thánh Phêrô Tự tại Thủ Đức
Từ năm 1959 – 1965: Học tại Ðại chủng viện Xuân Bích
Ngày 29.04.1965: Thụ phong linh mục tại Vương Cung Thánh Ðường Đức Bà -Sài gòn.
Cùng năm đó ngài được sai đi làm phó xứ Ðông Hà, Quảng Trị, gần vĩ tuyến 17.
Năm 1967: được phép của Ðức Cha Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, chuyên trách về văn hoá xã hội, ngài mở một Cô nhi viện và trường Tư thục cấp III Ðắc Lộ để giúp đỡ các em mồ côi, nạn nhân chiến tranh nơi vùng giới tuyến.
Năm 1968: hoàn tất chương trình Ðại Học Văn Khoa ở Huế với bằng Cử nhân Giáo khoa Triết Học.
Năm 1972: từ vùng giới tuyến di chuyển trường Ðắc lộ và 202 em mồ côi vào Bình Tuy lập làng Thiếu Nhi Bồ Câu Trắng. (bây giờ thuộc xã Tân Hà, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận)
Năm 1978: sau khi Nhà Nước tiếp thu trường học và làng thiếu nhi, cha Hoan phụ trách giáo xứ Bồ Câu Trắng (nay là giáo xứ Thánh Linh).
Từ năm 1994, cha đã hướng công việc mục vụ bằng con đường bác ái xã hội, để mở nhịp cầu đem Tin Mừng tình thương đến cho những người nghèo khó ở nông thôn.
1999 – 2001: giữ chức vụ Hạt trưởng Hạt Hàm Tân
Ngày 14.07.2001: Toà thánh bổ nhiệm làm Giám Mục Phó Giáo Phận Phan Thiết. Khẩu hiệu giám mục của ngài là “Tin Mừng cho người nghèo khó”.
Ngày 11.08.2001: Lễ tấn phong Giám mục do Ðức Cha Nicôla Huỳnh Văn Nghi chủ phong, hai Giám Mục phụ phong là Ðức Cha Phêrô Nguyễn Văn Nhơn và Ðức Cha Tôma Nguyễn Văn Trâm.
Ngài đã giữ chức vụ chủ tịch Uỷ Ban Bác Ái Xã Hội – Caritas của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2 nhiệm kỳ, từ năm 2001-2006
Ngày 10 – 12-2004 Được sự chấp thuận của Đức Cha Nicôla, Đức Cha Phaolô đã Thành lập Tu đoàn Bác Ái Xã Hội để phục vụ người nghèo theo đường hướng mục vụ mà ngài hằng thao thức.
Ngày 5- 4 – 2005: Kế nhiệm Đức Cha Nicôla, làm Giám Mục Chánh Tòa Giáo Phận Phan Thiết.
25/07/2009: Tòa Thánh chấp thuận từ nhiệm nghỉ hưu vì lý do tuổi tác theo giáo luật.
Hưu dưỡng tại Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội. và Ngài được Chúa gọi về vào lúc 00 giờ, ngày 18-8-2014 tại Tu Đoàn Bác ái xã Hội. Cuộc đời của Ngài 49 năm linh mục, 13 năm Giám mục, 82 năm cuộc đời đã biến thành lễ tế liên lỉ đẹp lòng Chúa.
Lời mở đầu thánh lễ, cha Tổng ngỏ với cộng đoàn.
Con thay mặt cho Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận kính gởi đến Đức Viện Phụ, quý Cha Hạt Trưởng, quý Cha, quý Phó Tế, quý Bề trên, quý Tu sĩ Nam Nữ, quý Tu Đoàn, quý thân nhân ân nhân, Linh Tông Huyết tộc, và cộng đoàn Phụng vụ, lời chào chúc bình an, yêu thương và hiệp nhất.
Hôm nay, chúng ta họp nhau nơi nguyện đường Bát Phúc này,
-với tâm tình yêu mến, biết ơn và thảo hiếu của đoàn chiên đối với chủ chiên, là Đức Cha Phao-lô
-với lòng ngưỡng mộ một đời sống tận tân, tận lực cho Nước Chúa, cách riêng cho những người nghèo khổ.
-với niềm tin vững vàng vào Chúa Giê-su Phục Sinh, Đấng sẽ làm cho những ai yêu mến Người và bước theo con đường Bát Phúc của Người sẽ được sống lại,
Chúng ta hiệp dâng thánh lễ này nguyện xin Chúa ban phúc trường sinh cho Đức Cha Phao-lô.
Anh chị em, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi của chúng ta để xứng đáng cử hành mầu nhiệm thánh.
Trong bài chia sẻ, cha Tổng suy niệm về “Cuộc cách mạng của người đánh chim”.
Cộng đoàn phụng vụ thân mến,
Chúng ta vừa được nghe Lời Chúa trong ba bài đọc:
Sách khôn ngoan nói về ân huệ, niềm vui, và phẩn thưởng mà Thiên Chúa dành cho người công chính.
Thánh Phaolô trong bài đọc 2, giới thiệu một khuôn mẫu công chính, ấy là người chịu phép rửa trong sự chết của Chúa Ki-tô, người có một đời sống mới như Đức Ki-tô.
Và trong bài Tin Mừng, người công chính được Chính Chúa Giê-su phác họa, đó là người sống đúng tinh thần của Hiến Chương Nước Trời, sống đúng tinh thần Bát Phúc…
Mở đầu Bát Phúc, Chúa Giê-su nói:
“Phúc thay ai có tinh-thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”.
Sống tinh thần nghèo khó, chính là sống Đức Khiêm Nhượng của Đức Giê-su Ki-tô, là hoàn toàn đặt mình vào bàn tay, vào trái tim, vào nỗi lòng của Thiên Chúa, là thực hiện hoàn toàn theo Thánh ý Thiên Chúa, là làm tất cả các việc cho sáng danh Thiên Chúa, cho Nước Thiên Chúa trị đến ngay trong trần gian này.
Sống Đức Khiêm Nhường của Đức Giê-su Ki-tô để mặc lấy sự hiền lành của Thiên Chúa, mặc lấy lòng xót thương của Thiên Chúa, mặc lấy sự tinh tuyền thánh thiện của Thiên Chúa, mặc lấy niềm vui hòa bình hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa, mặc lấy tâm tình trao hiến chính Con Một của mình để cứu rỗi nhân loại, bất chấp mọi khổ đau, bất chấp cả sự chết.
Sống Đức Khiêm Nhường của Đức Giê-su Ki-tô, có thể nói là sống trọn tinh thần của Bát Phúc, sống đời sống mới, sống đời sống công chính vậy.
Vâng, thưa cộng đoàn,
Chúa Giê-su yêu mến những ai sống đời khiêm nhường. Những người khiêm nhường là những người mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Chúa Giê-su, để Chúa Giê-su ở đâu, những người khiêm nhường cũng được ở đó với Ngài.
Quả thực, khi gẫm lại cuộc đời Chúa Giê-su, chúng ta có thể nhận ra rõ, ai là người tiếp đón và nhận ra được lòng xót thương của Thiên Chúa.
-Không phải một Hêrôđê luôn tham vọng cũng cố quyền lực thế gian, mà là những chú mục đồng, những kẻ giữ chiên, những người vui lòng chấp nhận sự nghèo khổ.
-Không phải những người tinh thông vũ trụ trời đất luôn ảo tưởng mình thấu suốt điều kỳ bí của mọi kỳ công, nhưng là những người khao khát chiêm ngưỡng trật tự lạ lùng của vũ trụ, tìm kiếm ý nghĩa của những dấu chỉ siêu phàm trên trời dưới đất, để nhận ra Thiên Chúa quyền năng phép tắc và giàu tình xót thương- như ba chiêm tinh gia ở phương đông mà chúng ta quẹn gọi là ba đạo sĩ.
-Không phải là những người tự cao tự đại về vốn hiểu biết, về đẳng cấp, về học vị của mình, nhưng lại là những người chân chất quê mùa, kém cỏi, ít học, làm thợ thuyến, làm công nhân, làm nông trên ruộng trên nương, đánh cá trên biển… như Phê-rô, Gia-cô-bê, Gioan…
-Không phải là những người khỏe mạnh, xinh đẹp, hồng nhan, sáng sủa, lụa là, sang trọng….mà là những người bệnh tật yếu đau, xấu xí, đen đủi, dị hình dị tướng, rách rưới, tội lỗi, hư hèn, kém cỏi, bị khinh miệt, bị bỏ rơi, bị phân biệt, bị loại trừ…
Vâng, Đức Giê-su Ki-tô, Tin mừng của Thiên Chúa đã đến với nhân loại, là đến với tất cả con người, không phân biệt ai, không loại trừ ai, nhưng chỉ có người sống tinh thần khiêm nhượng, khó nghèo mới có thể có được niềm vui của tin mừng, có được niềm bình an đích thực.
….
Lễ giỗ của Đức Cố Giám Mục Phao-lô tại Nguyện Đường Bát Phúc hôm nay, cho phép chúng ta gợi nhớ đến một con người sống đức Khiêm Nhương của Chúa Giê-su, sống tinh thần nghèo khó của Đức Giê-su, sống phó thác hoàn toàn vào Thiên Chúa.
-Giữa lúc con người ta luôn luôn nỗ lực khẳng định mình, khẳng định về chức vụ, về quyền hạn, về vốn hiểu biết, về tài trí khôn lường của mình…thì đã có một linh mục mang tên Phao-lô Nguyễn Thanh Hoan lại khẳng định mình là “Tin Mừng cho người nghèo” bằng việc bước xuống với bà con giáo dân để trồng mía, nấu đường, cùng bà con khai mương dẫn thủy, cùng chính con chiên mình vỡ đất trồng khoai, trồng lúa… và còn hơn thế nữa, cùng bà con làm keo đánh chim, để có thể cùng bà con cải thiện những bữa ăn vốn dưa cà, mắm muối trong những ngày túng ngặt…
-Giữa lúc con người ta tham lam tìm đến những con người sang trọng, bề thế, giàu có, danh gia, vọng tộc… để mong trục lợi cho mình, hặc mong khẳng định mình cũng là hạng ưu việt, quí phái…thì đã có một linh mục mang tên Phao-lô Nguyễn Thanh Hoan lại tham biết tin, tham tìm kiếm, tham gặp gỡ những thanh niên nam nữ nghiện ngập, hút chích, ăn chơi sa đọa, từ 46 đến thi xã Lagi ; tham tìm đến những con người đau khổ , nghèo đói bệnh tật, tội lỗi hư hèn, tham tìm đến những ai lạc loài bơ vơ, cô thân cô thế.
Sao không tìm cho mình sự an thân ích kỷ. Sao không thích nhàn nhã mà phải vướng chi vào những bận tâm cho ai mà làm khổ đời mình.
Vâng, tham chi những chuyện rắc rối như thế, nếu không phải do sự thúc đẩy của một lòng yêu mến tự bên trong của chính Đức Giê-su Ki-tô, do sự thúc đấy của khao khát loan “Tin Mừng cho người nghèo”.
-Giữa lúc con người ta chạy đôn chạy đáo tìm của cải vật chất thế gian để làm giàu cho mình, để xây dựng cho mình những ngôi nhà đồ sộ, để khẳng định đẳng cấp của mình trong thế giới của những người thành công…thì đã có một Giám mục Phao-lô Nguyễn Thanh Hoan lao đao vất vả đi tìm cho những người nghèo một nơi nương náu, tìm cho những người bệnh những bài thuốc dân gian, tìm cho xã hội những con người dám hy sinh dâng hiến bước theo con đường Loan “Tin Mừng cho người nghèo”, đầu tư cho việc xây dựng một thế hệ kế thừa yêu thương và phục vụ những con người đau khổ…
Có là giáo dân, linh mục hay giám mục đi nữa, thì ai làm chuyện ngược đời mà không khỏi bị số đông phản đối, dèm pha, nói ra, nói vào, bôi bác, bài xích và đôi khi còn bị những tiếng đời oan nghiệt. Nhưng, đã có một Đức Cha Phao-lô khiêm nhường và hiền lành, vui vẻ chấp nhận, và bình an vui sống trọn tinh thần bát phúc, để trở nên người công chính, để trở nên một con người mới.
Chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã ban cho trần gian một con người, một linh mục, một giám mục anh dũng đi ngược lại với tinh thần thế tục, không chỉ ở nơi khẩu hiệu Giám Mục của Ngài, mà chính là nơi công trình đời người của Ngài sồng và chết cho lý tưởng “Tin Mừng cho người nghèo”.
Trọng kính Đức Cha Phao-lô, trong ngày giỗ của Đức Cha, con muốn mạo muội thưa với Đức Cha tâm tình ngưỡng mộ đối với “cuộc cách mạng của người đánh chim thuở ấy”, cuộc cách mạng của người làm mía, nấu đường thuở ấy, đã làm thức dậy trong lòng giáo hội cái chân lý của Đức Khiêm Nhường, của tinh thần Nghèo Khó, của Tin Mừng – và cách riêng, để lại cho những môn sinh của Cha một mẫu gương công chính là hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, để phục vụ người nghèo, bạn hữu của Chúa Giê-su Ki-tô ở khắp mọi nơi.
Chúng con nguyện xin Chúa thương tha thứ cho Đức Cha những lầm lỗi, những hình phạt, và mở cửa Thiên Đàng cho Đức Cha để Đức Cha được sum họp cùng các thánh trên trời mà ngợi khen Thiên Chúa muôn đời vinh hiển, muôn đời xót thương. A men.
Cuối thánh lễ, cha Phaolô Hồ Phi Chỉnh, Bề trên Tu đoàn dâng lời cảm tạ Đức cha Giuse, cha Tổng đại diện, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và cộng đoàn.
Sau lời nguyện hiệp lễ, cha Tổng cùng quý cha và cộng đoàn đến trước phần mộ Đức Cha Phaolô rảy nước thánh và xông hương, cộng đoàn đọc Kinh Lạy Cha và Kinh Tin Kính. Sau đó nhiều người đến trước phần mộ của ngài cầu nguyện sốt mến. Ngôi mộ Đức cha Phaolô nằm trước nguyện đường có tiếng chuông ngân, có lời kinh hạt, có thánh lễ hàng ngày, giữa đoàn con cái Tu đoàn với cây xanh ruộng vườn nương rẫy. Một vòng đời đi qua, giống như một đoạn đường từ nhà ra đồng ruộng, lên rừng, rồi lại về nhà… Con người sinh ra ở trần gian không phải để rồi vĩnh viễn cư ngụ tại đó, trái lại, đây chỉ là khởi đầu một cuộc hành trình về với Chúa. Một cuộc sống hiến dâng phục vụ được tưởng thưởng bằng một cái chết bình yên. Trong sự tiễn đưa nghĩa tình của mọi thành phần dân Chúa, trong sự đón nhận ấm áp của đất trời… Đức cha Phaolô thật sự vui mừng về với Thiên Chúa tình yêu.
Trong bữa cơm trưa thân mật tình huynh đệ tại nhà cơm Tu đoàn, cha Giuse Đặng Văn Tiếp giới thiệu và gởi đến mọi người những tập sách suy niệm Lời Chúa ngày Chúa nhật và ngày trong tuần của Đức cha Phaolô – sinh thời ngài viết tay trên giấy và nay các thầy đánh máy lại rồi in ấn thành sách.
****
Để tri ân Đấng sáng lập, Tu Đoàn Bác Ái Xã Hội đã tổ chức diễn nguyện “Đêm Nghĩa Tình Tri Ân Về Đức Cố Giám Mục Phaolô Nguyễn Thanh Hoan” vào lúc 19giờ – 21giờ 30, ngày 17/08/2016, tại Tu Đoàn Nữ Bác Ái Xã Hội.
Chương Trình gồm 3 phần:
I). PHẦN I: HƯƠNG LÒNG TRI ÂN NHỚ VỀ CHA
1). Đơn ca: “Tưởng niệm” – Sáng tác: Trầm Tử Thiêng, trình bày: Ca sĩ Phi Nguyễn, Phụ hoạ: Tu Đoàn Nam & Tu Đoàn Nữ
2). Đơn ca: “ Ơn Nghĩa Sinh Thành” – Sáng tác: Bảo Trâm, trình bày: Ca sĩ Lệ Hằng – Phụ hoạ: Tu Đoàn Nữ
II). PHẦN II: CUỘC ĐỜI VÀ CON NGƯỜI ĐỨC CHA PHAOLÔ
1). Tiểu phẩm 1: “Ơn Gọi”, trình bày: Giáo xứ Đông Hà
– Đơn ca: “Ôi linh mục” – Thơ: Đức Ông G.B. Xuân Ly Băng, nhạc và lời: Lm. Jos. Trương Văn Hùng, trình bày: Lm. Anrê Lương Vĩnh Phú.
2). Tiểu phẩm 2: “Sứ vụ Tông đồ”, trình bày: Giáo Xứ Thánh Linh
– Đơn ca: “Hài Nhi Mồ Côi” – Nhạc và lời: Lm. Giuse Trương Văn Hùng – Trình bày: Lm. Jos. Trương Văn Hùng
3). Tiểu phẩm 3: “Lời Dạy Của Cha” – Trình bày: Tu Đoàn Nữ
– Đơn ca: “Kể về Cha” – sáng tác: Lm. Pr. Mai Tích, trình bày: Lm. Pr. Mai Tích, phụ hoạ: Tu Đoàn Nữ
4). Tốp ca: ‘Giao Ước” – Thơ : Lm. Pr. Nguyễn Thiên Cung; nhạc: Lm. Ánh Đăng, trình bày: Ca sĩ: Phi Nguyễn – Lệ Trinh – Lm. Phêrô Mai Tích
5). Tốp ca: “ Ơn Cha” – Sáng tác: Y Vân, trình bày: thầy Jos. Duy Lợi – thầy Jos. Đức Trung – Tx. Hồng Nhung
III). PHẦN III: TỪ GIÃ NGƯỜI CHA KÍNH YÊU- NIỀM TIN PHỤC SINH
1). Song ca: “Một ngày nào đó” – Sáng tác: Lm. Pr. Nguyễn Châu Linh, trình bày: Ca sĩ Châu Linh & Châu Minh
2). Đơn ca: “Dâng Chúa Cuộc Đời” – Trình bày: Ca sĩ Phi Nguyễn, phụ hoạ: Tu Đoàn Nữ
3). Múa : “Sự sống thay đổi mà không mất đi” – Sáng tác: Phanxicô, trình bày: Tu Đoàn Nữ
5). Kết thúc: Cám ơn – Đồng ca: “Ai Bảo Người chết” – sáng tác: Lm. Phaolô Hoàng Kim Tốt, trình bày: Hồng Nhung – Quốc Dũng & Ca Đoàn
– Cùng với bài hát kết, thắp nến cộng đoàn, ra mộ Đức Cố Giám mục Phaolô – Dâng hương & Lời kinh.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An